Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, trong bối cảnh hiện nay, hai kịch bản kinh tế có mức chênh lệch về tốc độ tăng trưởng không quá lớn cho thấy, mức tăng trưởng có tính ổn định tương đối.
Ở kịch bản thấp, báo cáo đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1% tính theo giá cố định năm 2010, với mức lạm phát được dự báo tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp tương tự năm 2014, đạt khoảng 1,9%.
Kịch bản 2 được xây dựng trên bối cảnh nền kinh tế phục hồi cao hơn với mức tăng trưởng cao hơn, song không quá lớn, đạt 6,3%. Mức lạm phát ở kịch bản này dự kiến có thể lên tới 3,2% và được nhận định có xu hướng tăng nhanh hơn vào cuối năm nay và tiếp tục đà tăng trong năm 2016. Trong trường hợp này, nền kinh tế có thể rơi vào vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỷ giá.
Về nội bộ nền kinh tế, báo cáo nhận định, trong năm 2015 sẽ chịu tác động từ hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, là khả năng thâm hụt ngân sách tăng cao do khó khăn trong duy trì và cải thiện nguồn thu đi liền với nỗ lực yếu trong việc tiết chế các khoản chi.
Lạm phát thấp có dư địa cho nới lỏng chính sách tài khóa, nhưng với nguồn thu ngân sách thiếu hụt, thâm hụt ngân sách cao bất thường, đặt Chính phủ vào những khó khăn trong việc huy động nguồn tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách sử dụng các biện pháp bù đắp thâm hụt như phát hành thêm trái phiếu chính phủ, dùng quỹ dự trữ cho ngân sách vay…, sẽ làm tăng lạm phát và tạo thêm áp lực lên tỷ giá.
“Nếu Quốc hội không có sự thỏa hiệp cần thiết trong định mức về lượng trái phiếu phát hành hoặc trần nợ công, Chính phủ có thể bị đẩy vào tình thế phải tìm kiếm nguồn tài trợ tạm thời từ NHNN dưới nhiều hình thức, và xét cho cùng có bản chất tiền tệ nhiều hơn là tài khóa. Điều này dẫn tới nguy cơ phá vỡ những ràng buộc về kỷ luật tiền tệ lẫn tài khóa, tạo một tiền lệ xấu. Tác động tức thời của các chính sách này là sự xói mòn niềm tin của thị trường vào cả chính sách tiền tệ và mức độ minh bạch tài khóa”, ông Thành nói.
Vấn đề thứ hai, theo ông Thành, tỷ giá VND/USD tiếp tục được duy trì ổn định về mặt danh nghĩa sẽ làm đồng VND tiếp tục tích lũy sự lên giá. Điều này sẽ làm xói mòn sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ thu hút khách nước ngoài mang lại nhiều nguồn lực cho đất nước như dịch vụ du lịch.
Theo ông Thành, hai yếu tố trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhất là khi phát sinh các tình huống bất lợi. Ví dụ việc tài trợ cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ nếu kích hoạt một làn sóng lạm phát nhẹ đầu năm 2016 có thể dẫn tới sức ép thay đổi tỷ giá ngày càng nhiều hơn vào thời điểm này. Trong trường hợp tỷ giá phải thay đổi mang tính đối phó, vô hình trung sẽ tạo một vòng xoáy lạm phát - thay đổi tỷ giá, phá vỡ thế cân bằng vĩ mô đang tạm thời có được hiện nay.
Ở điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tỏ rõ mối lo ngại việc neo cố định đồng VND. “Trước sự biến động của đồng USD mà chúng ta lại muốn giữ sự cố định của VND. Trong tình hình như vậy, các tỷ giá của đồng tiền khác thay đổi như EUR, nếu giữ ổn định thì cái giá mà nền kinh tế và các DN phải trả là như thế nào?”, ông Doanh đặt câu hỏi và cho rằng, nếu điều chỉnh tỷ giá thì gánh nặng nợ công sẽ tăng lên, từ đó kéo theo chi phí trả nợ công cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Còn TS. Huỳnh Thế Du khuyến cáo, đồng tiền quốc gia mạnh lên thì sức cạnh tranh sẽ giảm đi. “Để cạnh tranh, người ta chỉ muốn một đồng tiền yếu. Đồng tiền yếu sẽ có lợi cho kinh doanh trong nước và cả xuất khẩu. Đã có nhiều câu chuyện thực tiễn về vấn đề này, chúng ta cần xem xét để có chính sách hợp lý đối với đồng VND trong thời điểm hiện nay”, ông Du nói.
Đối với các vấn đề cơ bản của nền kinh tế, báo cáo đặc biệt lưu ý các vấn đề có thể phát sinh như tính dễ tổn thương của hệ thống ngân hàng, khả năng chịu đựng cú sốc mạnh thấp, tính bất trắc trong sức khỏe của từng ngân hàng, nhất là về vấn đề thông tin.
Bên cạnh đó là định hướng các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cần được thị trường hóa nhiều hơn nữa để tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra cũng cần tính đến lợi ích tham gia TPP đối với Việt Nam là tích cực và mang tính nền tảng, tác động đến cấu trúc nền kinh tế thông qua ảnh hưởng khác nhau giữa các ngành và lĩnh vực.
Lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn nếu gỡ bỏ ràng buộc lên các yếu tố sản xuất căn bản như vốn, lao động, đất đai, quan hệ mật thiết tới cải cách hành chính và thể chế.