Mục tiêu lớn trong định hướng phát triển bền vững của Việt Nam là không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển, ông đánh giá thế nào về điều này?
Là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực xoá đói, giảm nghèo và đặc biệt là những thành tựu lớn trong công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Ý tưởng “không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển” sẽ đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam.
Đó là tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội, phổ cập hoá các chính sách xã hội, đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các chính sách xã hội và xoá đói, giảm nghèo cho tất cả mọi người.
Đất nước của tôi, Brazil, cũng chứng kiến quá trình tương tự, khi phát triển kinh tế cũng tạo điều kiện cho hoà nhập kinh tế. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ, khi kinh tế tăng trưởng thì vẫn có khoảng 3,5-10% dân số không được hưởng lợi từ sự phát triển này.
Ông Adriano Campolina
Đây là nhóm nghèo nhất, dễ bị tổn thương và chịu nhiều phân biệt đối xử, không chỉ về kinh tế, họ có thể có cả khó khăn về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận dịch vụ công, tiếp cận thị trường. Về chính sách xã hội cũng vậy, có những nhóm người dễ bị tổn thương và gặp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách như người di cư, dân tộc thiểu số.
Vấn đề về hòa nhập chính là một trong những nội dung mà ActionAid quan tâm hỗ trợ trong những năm vừa qua, để đảm bảo khả năng tiếp cận cho những nhóm người yếu thế và bị “lề hoá”. Đây cũng là mục tiêu ưu tiên của chúng tôi trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam để đạt được những mục tiêu này?
Hướng tới phát triển bền vững, cần chú trọng đảm bảo quyền con người, hòa nhập xã hội, đảm bảo chính sách xã hội, đặc biệt là các dịch vụ công có chất lượng về giáo dục, y tế, giao thông công cộng, giúp người khuyết tật có thể di chuyển, tiếp cận các dịch vụ và tăng thu thập.
Phát triển kinh tế cần tôn trọng môi trường, chất lượng nước và không khí. Ngoài ra, tìm ra sự cân bằng giữa hoà nhập và phát triển bền vững là điều quan trọng của phát triển. Để đạt được điều này, cần tạo nhiều việc làm, phát triển nền thuế tiến bộ.
Tại Việt Nam và một số quốc gia khác, việc phát triển dịch vụ công đã định hướng cho phát triển, vì vậy tập trung vào phát triển dịch vụ công trong quá trình làm chính sách là điều quan trọng. Thuế cũng rất quan trọng. Nhiều nước đưa ra những ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn tới việc thâm hụt nguồn thu ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công. Bởi vậy, cần có một nền thuế tiến bộ và công bằng, công bằng trong thu thuế và chi thuế cho các dịch vụ công.
Action Aid sẽ có những định hướng ưu tiên nào trong chiến lược hợp tác và đồng hành cùng Việt Nam giai đoạn tới?
Tháng 12/2016, tại Arusha, Tanzania, ActionAid Quốc tế đã thông qua kế hoạch chiến lược toàn cầu mới. Chiến lược này có 2 điểm tôi cho rằng rất quan trọng đối với Việt Nam, đó là cách tiếp cận trong 12 năm tới và những ưu tiên trong 3 năm tới.
Về cách tiếp cận, chúng tôi luôn đảm bảo tất cả các hoạt động và quan hệ hợp tác mà ActionAid triển khai đều hướng đến hỗ trợ Việt Nam thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội đi đối với với tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, môi trường làm việc tốt, các dịch vụ công chất lượng và hệ thống thuế tiến bộ.
Ưu tiên tiếp theo của ActionAid là xây dựng dịch vụ công an toàn, nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương và huy động đầu tư công cho các dịch vụ công chất lượng cho tất cả mọi người.
Cuối cùng là sinh kế bền vững, đảm bảo công bằng an sinh xã hội đi đôi tăng trưởng bền vững, đảm bảo không bỏ lại ai phía sau. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải tiếp tục và nhân rộng các phương thức sản xuất thúc đẩy sinh kế bền vững, đảm bảo mọi người dân cả ở nông thôn và thành thị đều có cơ hội phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ nâng cao khả năng nhận thức và chống chịu, phòng ngừa rủi ro thiên tai, đặc biệt nâng cao vai trò của người dân và chính quyền địa phương trong quản lý, phòng ngừa rủi ro thiên tai.