Hai góc nhìn từ thành công trong kiểm soát lạm phát

Việc kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2014 được coi là một trong những thành công. Thành công này được nhận diện ở hai góc độ chính.
Hai góc nhìn từ thành công trong kiểm soát lạm phát

Thứ nhất là diễn biến thực tế CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014. Các chỉ số thống kê cho thấy, giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng thấp so với tháng 4, làm cho CPI 5 tháng đầu năm nay tăng thấp nhất so với cùng kỳ 12 năm trước đó. CPI 5 tháng đầu năm nay thấp rất xa so với CPI 5 tháng bình quân 12 năm trước (4,53%).

Nếu tính sau 1 năm, tức là so năm nay với cùng kỳ năm trước theo thông lệ quốc tế thì của tháng 5 tăng 4,72%, thấp hơn các con số tương ứng của nhiều tháng trước; nếu tính bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,73%, cũng thấp hơn các con số tương ứng của các kỳ trước đó.

Thứ hai, diễn biến trong 5 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để cả năm nay, CPI được kiểm soát ở mức 7% theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, thậm chí có thể tăng thấp hơn 2 năm trước (năm 2012 tăng 6,81%; năm 2013 tăng 6,04%). Nếu dự báo trên là đúng, CPI năm 2014 sẽ là năm thứ 3 liên tục tăng chậm lại.

Thành công của việc kiềm chế lạm phát do nhiều yếu tố.

Xét về yếu tố chi phí đẩy, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I so với cùng kỳ tăng 2,84%, thấp hơn chỉ số giá bán sản phẩm trong thời gian tương ứng (của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản tăng 5,14%, của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 5,21%). Giá nhập khẩu hàng hóa tính bằng USD giảm 2,68%. Giá USD bình quân 4 tháng so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,85%. Lãi suất vay ngân hàng cũng đã giảm xuống so với cùng kỳ.

Xét về yếu tố cầu kéo, thể hiện ở một số chỉ tiêu: tỷ lệ tổng tích lũy tài sản/GDP đã giảm (từ 37,16% năm 2009 xuống còn 26,59% năm 2013), kéo tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm từ 39,18% xuống 31,5%; tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng cũng giảm trong thời gian tương ứng (từ 74,27% xuống 71,19%).

Xét về tiền tệ - tín dụng, tốc độ tăng tín dụng đã giảm (từ 37,53% xuống 12,5%)…

Tuy nhiên, thành công trên sẽ trọn vẹn hơn, nếu khắc phục được diễn biến mới của tình hình và hiệu ứng phụ của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Sở dĩ đặt vấn đề này, là do gần đây, xuất hiện sự chuyển động đáng lưu ý của đồng tiền trước diễn biến ở Biển Đông.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi tăng với tốc độ đáng mơ ước (trên 22%), chỉ số chứng khoán đã sụt giảm mạnh, có ngày đã trở về gần với điểm xuất phát đầu năm. Giá trị giao dịch giảm lớn, chỉ còn bằng trên dưới một nửa so với trước đây. Giá trị vốn hóa thị trường đã mất đi 5-6 tỷ USD, thậm chí, có ngày giảm hơn 3 tỷ  USD, mức giảm/ngày lớn nhất từ trước tới nay.

Trên thị trường vàng, giá vàng trong nước đã giảm xuống. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nếu cuối tháng 4 còn trên dưới 2 triệu đồng/lượng sau, thì trong tháng 5, đã tăng trở lại, có ngày lên đến 37 triệu đồng/lượng, đẩy chênh lệch lên tới 3,5 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại tệ, nếu giá USD đến giữa tháng 4 vẫn giảm 0,13% so với cuối năm trước, thì sang tháng 5, giá niêm yết ở các ngân hàng đã hết biên độ, còn ở thị trường tự do đã ở mức cao hơn.

Các diễn biến trên là sự hoảng loạn thái quá, có tính chất tạo “sóng” để trục lợi, đánh vào tâm lý đầu tư theo phong trào, chứ không phải có tính chất xu hướng (tức là không có tính tất yếu xuất phát từ mất cân đối cung - cầu).

Trái lại, một số nội dung của quan hệ cân đối cung - cầu đã có sự cải thiện. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã có thông cáo nêu rõ sẽ sẵn sàng mọi biện phát ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng và khuyến cáo người dân bình tĩnh, thận trọng và có lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Tin bài liên quan