Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được gần 350,5 triệu USD vốn FDI, bằng 89,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới 48 dự án với vốn đầu tư 214,5 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 26 lượt dự án, với vốn tăng thêm 130,7 triệu USD. Các dự án FDI mới chủ yếu ở tập trung ở các khu công nghiệp mới như Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1..., với hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến - chế tạo, văn phòng phẩm.
Mới đây, Dự án Nhà máy Deli Hải Dương của Công ty Hữu hạn Tập đoàn Deli (Trung Quốc) được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng. Dự án có tổng mức đầu tư 270 triệu USD (được cấp giấy chứng nhận đầu tư cuối năm 2023). Nhà máy được xây dựng trên diện tích 212.480 m2, tạo điều kiện cho Deli sản xuất văn phòng phẩm, hàng gia dụng và thiết bị giáo dục, với công suất hơn 104 triệu sản phẩm/năm.
Dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2026, Dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế của Deli trên thị trường toàn cầu. Với khoảng 3.000 cơ hội việc làm cho người dân địa phương, Deli sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển nguồn nhân lực tại khu vực.
Ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đánh giá, việc lựa chọn Hải Dương làm địa điểm đặt nhà máy thứ hai tại Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Lý do là, Hải Dương nằm ở vị trí chiến lược, gần các tuyến đường cao tốc quan trọng và có sự kết nối thuận lợi với các cảng biển lớn như Hải Phòng, giúp việc xuất khẩu hàng hóa từ nhà máy trở nên dễ dàng và hiệu quả. Điều này giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu chi phí vận chuyển và tạo lợi thế cạnh tranh cho Deli.
Tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, đây là một dự án FDI lớn của Hải Dương, được đầu tư bởi một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Phó thủ tướng kỳ vọng và tin tưởng dự án này sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, xác định hạ tầng là lợi thế cạnh tranh để tạo ưu thế trong thu hút đầu tư, Hải Dương đã tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật, sẵn sàng bảo đảm các tiêu chí cứng, đáp ứng các điều kiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới cũng đang được triển khai khẩn trương để đón nhà đầu tư. Ngoài 12 khu công nghiệp đang được vận hành, khai thác, tỉnh đã quyết tâm giải phóng mặt bằng, sớm xây dựng hạ tầng cho 5 khu công nghiệp mới.
Hải Dương đã và đang là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư lớn trong nước. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và coi thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp là nguồn lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hải Dương hiện có 584 dự án FDI đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn hơn 10,582 tỷ USD (trong khu công nghiệp có 325 dự án, vốn đầu tư trên 6,384 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp có 259 dự án, vốn đầu tư hơn 4,198 tỷ USD).
Năm 2024, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn thực hiện 850 triệu USD. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 9 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 500 triệu USD.