Khi bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tên gọi các xã, phường ở TP Hải Dương hiện nay có thể là phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2, xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2.

Khi bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tên gọi các xã, phường ở TP Hải Dương hiện nay có thể là phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2, xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2.

Hải Dương sẽ giảm khoảng 50% tổng số đơn vị hành chính cấp xã

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Kế hoạch số 1547/KH-UBND về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ tiêu chí, lộ trình sắp xếp.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm có 2 thành phố (Hải Dương và Chí Linh), 1 thị xã (Kinh Môn) và 9 huyện (gồm Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách và Gia Lộc); 207 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 151 xã, 46 phường và 10 thị trấn). Đối chiếu với dự kiến của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thì không có xã, phường, thị trấn nào của của Hải Dương đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Trong đó, về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, có 5 phường ở TP. Chí Linh đạt tiêu chí, 202 xã, phường, thị trấn còn lại không đạt. Về tiêu chuẩn quy mô dân số, có 13 xã đạt tiêu chí, 194 xã, phường, thị trấn còn lại không đạt.

Theo kế hoạch, tổng số số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp giảm còn khoảng 50% so với số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo tương quan hợp lý, tránh tạo sự giãn cách lớn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số giữa các xã, phường mới sau sắp xếp.

Dự kiến tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, kế hoạch nêu rõ, xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 200% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cụ thể, diện tích tự nhiên từ 42 km2, quy mô dân số từ 16.000 người trở lên. Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 15 km2 trở lên và quy mô dân số đạt từ 30.000 người trở lên. Trường hợp sắp xếp từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Kế hoạch cũng đã nêu rõ về lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của cấp huyện, cấp xã theo tiêu chí để dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Về nguyên tắc cụ thể, tại kế hoạch đã nêu việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã phải bám sát các quy định của Trung ương, đặt trong bối cảnh chung về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương dự kiến sáp nhập (tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng). Đồng thời tính đến đặc thù của tỉnh, của các địa phương.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cần căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hiện trạng khu vực bị ảnh hưởng hạ tầng như: Đường cao tốc, đường quốc lộ, hệ thống sông lớn, dãy núi lớn chia cắt khó kết nối với các đơn vị hành chính liền kề và điều kiện tự nhiên - xã hội có thể hình thành đơn vị hành chính có quy mô (diện tích, dân số) lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định.

Đối với một số khu vực mang tính đặc thù (như Khu vực quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt tại huyện Thanh Miện và huyện Bình Giang, vùng đô thị động lực định hướng theo quy hoạch tỉnh), thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện, cấp xã hiện nay.

Sở Nội vụ Hải Dương hiện tập trung xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ Hải Dương hiện tập trung xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, sắp xếp thành một số đơn vị hành chính cấp cơ sở mang tính đặc thù với sứ mệnh và vai trò quan trọng trong dẫn dắt của vùng động lực và cực tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội để mở rộng không gian phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương, mang tầm khu vực. Từ đó, tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực của thành phố Hải Phòng sau sắp xếp.

Trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã phải đảm bảo cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kết nối hệ thống di tích lịch sử. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Quá trình sắp xếp để đảm bảo các quy định của Trung ương, bám sát nguyên tắc và tiêu chuẩn theo quy định mới để thành lập các xã, phường đảm bảo sau sắp xếp tạo ra được sự liên kết giữa các đơn vị hành chính không ngắt quãng, liên thông giữa các đơn vị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khi xây dựng đề án, phương án sắp xếp lưu ý, lựa chọn trụ sở của 1 đơn vị hành chính Trung tâm làm trụ sở của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Trụ sở đơn vị hành chính mới phải có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối.

Trung tâm hành chính mới cần có không gian phát triển trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đơn vị hành chính mới. Khi nhập xã, thị trấn hoặc đô thị loại V, cần ưu tiên lựa chọn trụ sở đơn vị hành chính mới là đô thị hoặc nơi đã được quy hoạch là đô thị loại V.

Về tên gọi, phải đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, gắn với tên của đơn vị hành chính cấp huyện, giữ lại giá trị lịch sử, văn hóa để xác định và được đánh theo số thứ tự; trong đó lưu ý vùng Trung tâm phát triển, vùng lõi đô thị trở thành động lực xác định thành đơn vị hành chính thứ nhất theo tên gọi huyện, thị xã, thành phố (như phường Hải Dương 1, phường Hải Dương 2...; xã Nam Sách 1, xã Nam Sách 2...).

UBND cấp huyện tiến hành việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Căn cứ Phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của UBND cấp huyện, UBND tỉnh xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, thực hiện các trình tự thủ tục báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/5/2025. Hoàn thành việc sắp xếp theo Kế hoạch, đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025.

Bên cạnh đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã mới.

Tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính cấp xã mới. Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã mới.

Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.

Tin bài liên quan