Thế mạnh của khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương là kết nối tốt với hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Thành Chung

Thế mạnh của khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương là kết nối tốt với hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Thành Chung

Hải Dương lập đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt diện tích 5.300 ha

0:00 / 0:00
0:00
Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương có diện tích 5.300 ha, dự kiến sẽ có 7 phân khu chức năng với trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Hải Dương tháng 5 (lần 6) mới đây, các thành viên UBND tỉnh Hải Dương xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương.

Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương luôn mong muốn, khát vọng thành lập khu kinh tế chuyên biệt để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương nếu được thành lập sẽ có vị trí rất thuận lợi như ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (nút giao gần khu vực dự kiến xây dựng khu kinh tế và đường cao tốc đã đưa vào hoạt động) và có vị trí trung tâm, gần với hành lang kinh tế, vành đai kinh tế, vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; gần với sân bay Cát Bi, các cảng biển của Hải Phòng và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội...

Tại phiên họp, ông Nguyễn Quốc Trường, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tư vấn, khi xây dựng đề án cần chỉ rõ nhà đầu tư chiến lược, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho đơn vị tư vấn khi được thuê để triển khai xây dựng đề án một cách nhanh nhất.

Theo ông Nguyễn Hải Châu, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đề án dự kiến gồm 5 phần gồm: đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, các hạn chế, lợi thế; kinh nghiệm phát triển khu kinh tế và các nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn mô hình thực hiện; đánh giá phù hợp của khu kinh tế với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khả năng huy động nguồn lực để thực hiện và phương hướng phát triển của khu kinh tế chuyên biệt.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp xem xét Đề án về thành lập Khu kinh tế chuyên biệt. Ảnh: Báo Hải Dương

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chủ trì phiên họp xem xét Đề án về thành lập Khu kinh tế chuyên biệt. Ảnh: Báo Hải Dương

Khu kinh tế chuyên biệt của Hải Dương khi được thành lập, dự kiến nằm ở phía Tây của tỉnh Hải Dương (phía nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thuộc 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện với tổng diện tích dự kiến khoảng 5.300 ha.

Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh Hải Dương là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, lĩnh vực có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường. Khu kinh tế có trọng tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistic, đô thị và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Khu kinh tế chuyên biệt sẽ được chia thành 7 phân khu gồm khu công nghiệp, cụm công nghiệp với dự kiến gồm 13 khu công nghiệp (diện tích dự kiến 3.001 ha), 3 cụm công nghiệp (dự kiến diện tích 150 ha). Khu thương mại dịch vụ, logistic có diện tích khoảng 75 ha.

Khu trung tâm đổi mới sáng tạo (hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao) có diện tích khoảng 60 ha. Khu phát triển hạ tầng công cộng với các công trình giáo dục, y tế, công viên, thể thao văn hóa... với diện tích khoảng 60 ha. Khu đô thị, dân cư diện tích khoảng 530 ha. Khu dân cư hiện trạng có diện tích khoảng 1.547 ha. Khu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, lộ trình phát triển dự kiến sẽ thành lập khu kinh tế vào quý IV/2024 và chia thành 2 giai đoạn 2024-2025 (giai đoạn này xây dựng và khởi công xây dựng một số cơ sở hạ tầng lớn; xúc tiến thu hút đầu tư) và giai đoạn 2026-2030 (giai đoạn này hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và chuẩn bị triển khai mở rộng diện tích khu kinh tế trong giai đoạn sau năm 2030).

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho toàn khu kinh tế chuyên biệt là khoảng 78.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2021-2035 (trung bình khoảng 5.200 tỷ đồng/năm). Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia; đồng thời, huy động từ các nguồn khác.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng phương án thuê tư vấn để triển khai xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất. Giao các ngành, địa phương phối hợp xác định ranh giới của đề án, xác định các loại đất tại khu vực dự kiến xây dựng và các phương án triển khai hạ tầng cho khu kinh tế khi được triển khai như điện, nước sạch.

Khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng). Ảnh: Đỗ Quyết

Khu công nghiệp Đại An mở rộng (Cẩm Giàng). Ảnh: Đỗ Quyết

Yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp cung cấp dữ liệu, thông tin cho tư vấn khi được thuê. Nếu gặp vướng mắc ở sở, ngành nào, tư vấn báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời xử lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có trên 18.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng (trong đó có gần 500 doanh nghiệp FDI). Tỉnh đã thành lập 16 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch chi tiết khoảng 2.588 ha, thành lập 58 cụm công nghiệp với diện tích đất 2.934,42 ha.

Tại Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209 ha, 6 trung tâm logistics và phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía Nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, 5 tháng đầu năm 2024, Hải Dương đã thu hút 27 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 119,2 triệu USD. Bao gồm 24 dự án trong khu công nghiệp có tổng vốn 115,8 triệu USD và 3 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 3,4 triệu USD; Điều chỉnh tăng vốn cho 13 lượt dự án FDI với tổng vốn tăng thêm 40,9 triệu USD. Ngoài ra, toàn tỉnh có 11 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị góp vốn 2,5 triệu USD.

Lũy kế đến cuối tháng 5/2024, Hải Dương hiện có 564 dự án FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 10,5 tỷ USD. Tổng vốn luỹ kế đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 8,8 tỷ USD.

Tin bài liên quan