Hải Dương đang nổi lên như một thị trường khu công nghiệp đầy triển vọng ở phía Bắc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hải Dương đang nổi lên như một thị trường khu công nghiệp đầy triển vọng ở phía Bắc. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hải Dương là thị trường khu công nghiệp mới nổi đầy tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với trên 5.670 ha đất công nghiệp, Hải Dương là thị trường khu công nghiệp mới nổi đầy tiềm năng.

Thông tin từ Cushman & Wakefield cho hay, Hải Dương hiện có 11 khu công nghiệp hiện hữu, 6 khu công nghiệp mới triển khai năm 2021 (1.097 ha), 8 khu công nghiệp phát triển trong tương lai (1.890 ha) và 53 cụm công nghiệp (2.683 ha). Hải Dương sở hữu nguồn cung lớn và sẵn sàng cho các dự án đầu tư với quy mô đa dạng. Nguồn quỹ đất công nghiệp ở tỉnh vẫn dồi dào, được định hướng lên đến hơn 20.000 ha giai đoạn 2021-2030, tỉnh có thể phát triển công nghiệp, theo đúng định hướng “công nghiệp – hiện đại hóa” trong tương lai.

Cushman & Wakefield đánh giá, với việc chỉ cách thủ đô Hà Nội 57 km, Hải Dương được xem là tỉnh có tiềm lực và dư địa phát triển kinh tế lớn. Nằm tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp vành đai kinh tế Bắc Bộ với lượng dân số chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng, Hải Dương đảm bảo nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư đang hoạt động.

Các dữ liệu cũng cho thấy, năm 2021, tăng trưởng kinh tế Hải Dương vẫn ghi nhận ở mức cao khi vượt lên vị trí thứ 8 cả nước. Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại đã giúp tỉnh kết nối với những địa phương lân cận, tạo nền tảng để phát triển kinh tế vùng. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh cũng liên tục tăng bậc, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thông tin từ tỉnh Hải Dương cho hay, nguồn vốn FDI rót vào tỉnh đạt hơn 9 tỷ USD vào năm 2021, với tổng số gần 500 dự án, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước. Với cơ cấu công nghiệp chiếm gần 55% GDP, Hải Dương định hướng đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp sẽ chiếm 64%.

Trong 9 tỷ USD vốn FDI thu hút được, ngành điện - điện tử vẫn dẫn đầu tỉnh, chiếm 38% tổng lượng vốn. Cơ khí kỹ thuật và may mặc lần lượt chiếm 22% và 20% tỷ trọng tiếp theo trong khu vực, theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương. Với lợi thế vị trí trung tâm, nhu cầu công nghiệp hiện hữu tại, Hải Dương đang được hưởng lợi từ sự phát triển của các tỉnh công nghiệp bao quanh, tạo điều kiện cho tỉnh trở thành một trong ba tỉnh thuộc tam giác kinh tế chiến lược tại miền Bắc.

Với thị trường bất động sản nhà ở, theo Cushman & Wakefield, nhu cầu về nhà ở liền thổ và căn hộ tăng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giá bán căn hộ và nhà liền thổ ở tỉnh Hải Dương vẫn còn duy trì ở mức cạnh tranh trong khu vực, ở mức 20-25 triệu đồng/m2 cho căn hộ, và 30 - 50 triệu đồng/m2 cho nhà liền thổ, theo Cushman & Wakefield.

Về tương lai, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ quy hoạch 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất trên 10.000 ha, trong đó gần 6.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị dịch vụ và logistics. Đáng chú ý, tỉnh đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, với diện tích 10.000 ha tại vị trí kết nối nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cách Hà Nội 25 phút đi xe.

Đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc nói chung, trong đó có Hải Dương, Cushman & Wakefield cho rằng, với lợi thế vị trí chiến lược, miền Bắc có thể được xem là cánh tay nối dài của “công xưởng thế giới”. Không khó để thấy lý do vì sao Cushman & Wakefield ghi nhận rất nhiều yêu cầu từ nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này. Nhu cầu công nghiệp đang tăng trưởng mạnh, các “ông lớn” trong và ngoài nước liên tục tìm kiếm và sẵn sàng rót hàng tỷ USD đầu tư vào thị trường công nghiệp miền Bắc, trong đó có Hải Dương.

Tin bài liên quan