Các phương tiện vận chuyển nông sản được phun khử khuẩn khi ra, vào thành phố Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: CTV

Các phương tiện vận chuyển nông sản được phun khử khuẩn khi ra, vào thành phố Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: CTV

Hải Dương hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, gia cầm tại vùng dịch

0:00 / 0:00
0:00
Hải Dương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi tại các vùng dịch khi mà dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện nay, toàn tỉnh có trên 90.000 con lợn, 2,4 triệu con gà, trên 1,1 triệu con vật nuôi khác đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. Riêng TP. Chí Linh có trên 1,5 triệu con gia cầm (1,2 triệu con gà đồi); 8.500 con lợn. Thị xã Kinh Môn có 52.000 con gia cầm, 7.450 con lợn và 1,2 triệu vật nuôi khác. Huyện Nam Sách có 94.000 con gia cầm, 7.400 con lợn và huyện Kim Thành có 56.000 con gia cầm, 7.800 con lợn. Tương tự, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.800 ha rau vụ Đông chưa thu hoạch. Trong đó khó khăn nhất là tiêu thụ cà rốt ở Chí Linh khoảng 150 ha.

Cũng theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương thì, vụ Đông năm nay của tỉnh được mùa, năng suất tốt, chất lượng cao. Đầu vụ, nông sản giá bán rất cao, tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, hiện tại, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang chịu tác động do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là khi nhiều tỉnh, thành phố ban hành quy định không tiếp nhận người từ Hải Dương tới, hoặc không cho người hay phương tiện qua lại TP. Chí Linh. Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh để chờ khi hết dịch.

Ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, hiện Hải Dương còn dư khoảng 128.000 tấn nông sản, gồm 100.000 tấn rau củ quả, 20.000 tấn thịt và 8.000 tấn cá.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hiện ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương Hải Dương đang khẩn trương nhiều biện pháp như: kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị trong quá trình thu mua. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị khi đi qua các chốt kiểm soát dịch thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo phòng, chống dịch.

Theo đó, đã kết nối với 33 đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ kịp thời cho người dân. Sở cũng đề nghị hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích hạn chế nhập các sản phẩm tươi sống, đông lạnh, tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Nhờ các giải pháp nói trên, đã có một lượng đáng kể hàng nông sản ở Hải Dương, đặc biệt là ở Chí Linh, được tiêu thụ. Cụ thể, tối 30/1, các doanh nghiệp đã thu mua khoảng 200 tấn cà rốt cho nông dân Chí Linh; từ ngày 1/2, mỗi ngày có khoảng 20 xe container vào thu mua tiêu thụ cà rốt; khoảng 30.000 con gà đồi đã được tiêu thụ.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hải Dương cũng đang tích cực kết nối doanh nghiệp, thương lái có năng lực tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hoặc có cơ sở giết mổ lưu thông tiêu thụ trên thị trường. Hiện, đã kết nối được 23 đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thu mua sản phẩm chăn nuôi cho các hộ trong vùng dịch. Chi cục vẫn đang tiếp tục liên hệ với các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh tập trung mua các sản phẩm cho hộ nuôi; vận động người dân ưu tiên dùng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh.

Đối với các mặt hàng nông sản là rau, củ, quả, ngành nông nghiệp tỉnh đã có hướng dẫn người dân khi sản xuất và thu hoạch trong giai đoạn hiện nay đều đảm bảo sức khỏe, tuân thủ đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Nông sản sau khi thu hoạch đóng vào bao và đưa lên xe vận chuyển về nhà máy sơ chế. Các lái xe vận chuyển nông sản được mặc quần áo bảo hộ, không tiếp xúc gần với nông dân, xe được phun khử trùng, xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trước đó, tại thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành chiều ngày 02/2, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã yêu cầu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Quảng Ninh và Hải Phòng tạo điều kiện trong vận chuyển hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và nông dân Hải Dương. Có phương án cấp logo cho các phương tiện của tổ chức, cá nhân trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch trong quá trình lưu thông...

Có thể thấy, tỉnh Hải Dương đã chủ động và thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm “đầu ra” và thu nhập cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Tin bài liên quan