Tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Habeco là 76% vốn điều lệ.

Tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Habeco là 76% vốn điều lệ.

Hai "đại gia" ngành rượu bia chuẩn bị lên sàn

(ĐTCK-online) Ngay sau khi giá trị doanh nghiệp của hai "đại gia" trong lĩnh vực bia rượu là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu -Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được Bộ Công thương ra quyết định xác nhận vào đầu tháng 12 vừa qua, phương án cổ phần hoá hai đơn vị này đang được khẩn trương hoàn tất để trình lên các cơ quan hữu trách.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công thương vào đầu tuần này đã cho Đầu tư Chứng khoán hay, phương án cổ phần hoá của Habeco sẽ được Bộ Công thương đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tuần này. Còn tuần kế tiếp sẽ có phương án chính thức của Sabeco. "Ngay sau khi Thủ tướng đồng ý, việc cổ phần hoá hai đơn vị này sẽ được tiến hành. Dự kiến trong quý I năm 2008, việc đấu giá lần đầu (IPO) của Habeco và Sabeco sẽ được thực hiện. Sau đó hai doanh nghiệp này sẽ tiến hành đại hội cổ đông và tiến hành ngay việc niêm yết trên sàn chứng khoán", ông Khu cho biết.

Theo quyết định của Bộ Công thương, giá trị thực tế của Habeco tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2006 để cổ phần hoá là 2.527,982 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.318,677 tỷ đồng. Habeco cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chọn Carlsberg là đối tác chiến lược trong quá trình cổ phần hoá, với tỷ lệ nắm giữ là 10% vốn điều lệ.

Theo kế hoạch, khi bán cổ phần lần đầu tại Habeco, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ  là 76% vốn điều lệ, và sẽ được tiếp tục bán để giảm xuống mức không thấp hơn 51% vốn điều lệ theo các giai đoạn phù hợp. Trước đó vào năm 2006, Habeco đạt tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu thực hiện trên 2.461 tỷ đồng, lợi nhuận gần 342 tỷ đồng.

Còn với Sabeco, giá trị thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm 31 tháng 12 năm 2006 được xác định là 8.618,279 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế của phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 6.412,811 tỷ đồng. Phần tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp của Sabeco gồm có: tài sản cố định trị giá 7.890,852 tỷ đồng; vật tư hàng hoá là 7.244,226 tỷ đồng và nhà ở cán bộ công nhân viên trị giá 1.121,814 tỷ đồng. Sabeco quyết định không chọn đối tác chiến lược trong quá trình IPO dù có rất nhiều đối tác nước ngoài quan tâm. Trong đợt IPO này, Sabeco được phê duyệt tỷ lệ cổ phần bán ra là 20%.

Sabeco hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành bia. Năm 2007 này, Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 680 triệu lít bia trong tổng mức tiêu thụ của thị trường ước tính khoảng 2 tỷ lít. Sabeco cũng đang tích cực xây dựng thêm các nhà máy mới ở Củ Chi, Quảng Ngãi, Nghệ An và Vĩnh Long, với kế hoạch đến năm 2010, tổng công suất thiết kế của Sabeco sẽ đạt 1,2 tỷ lít/năm. Còn với Habeco, ngoài nhà máy bia đang được xây dựng tại Vĩnh Phúc có năng lực sản xuất hai giai đoạn là 200 triệu lít/năm, sẽ bắt đầu hoạt động giai đoạn 1 trong đầu năm 2008 thì một dự án mới có mức đầu tư 400 tỷ đồng cũng vừa được Habeco cùng các đối tác, trong đó có Carlsberg, khởi động tại Bà Rịa-Vũng Tàu để ngay đầu năm 2008 cho ra sản phẩm.

Cũng theo nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, cổ phiếu của Habeco có mệnh giá là 10.000 đồng, mức giá khởi điểm đấu giá là 50.000 đồng/cổ phiếu. Còn với Sabeco sẽ có mức giá khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phiếu.

Để có thể tiến hành niêm yết ngay trên sàn giao dịch chứng khoán trong năm 2008, khối lượng cổ phần của các nhà đầu tư là pháp nhân và thể nhân nắm giữ khi IPO lần đầu của Habeco và Sabeco sẽ có những giới hạn nhất định để hai "đại gia" này có đủ 100 nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 20% vốn điều lệ.