Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2024 của Việt Nam tăng 6,93%, qua đó đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức 6,42%, vượt xa mức 3,72% của cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng, vượt xa những dự báo trước đó của các tổ chức trong nước và quốc tế.
Nhìn sâu hơn vào con số được Tổng cục Thống kê đưa ra, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam cho thấy sự vững chắc, hồi phục nhờ những mũi nhọn về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, qua đó đập tan những hoài nghi về khả năng kinh tế có thể hồi phục và đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra là 6 - 6,5% cho cả năm 2024.
Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế vĩ mô trong nước mở ra các câu chuyện đầu tư mới, trong đó chúng tôi lưu ý tới 2 chủ điểm đầu tư cho nửa cuối năm.
Nhóm xuất nhập khẩu hưởng lợi từ kinh tế thế giới phục hồi
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Với độ mở lớn của nền kinh tế, sự hồi phục về nhu cầu mua sắm của các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là yếu tố kích thích hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190 tỷ USD, tăng 14,5%; xuất siêu 11,6 tỷ USD.
Với lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu gia tăng, các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ có nhiều sự chuyển biến tích cực về mặt kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng biển được kỳ vọng có thể hưởng lợi từ việc có thêm nhiều công việc hơn trong quá trình xuất nhập khẩu.
Ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 346,53 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, lượng hàng container thông qua cảng biển tính theo Teu trong 5 tháng ước đạt 11,62 triệu Teu, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, tăng cả về hàng xuất nhập khẩu và hàng container nội địa. Chúng tôi kỳ vọng, sự phục hồi này vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều có thể vẫn sẽ tập trung ở các cụm xuất nhập khẩu chính bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh và TP.HCM, mở rộng ra Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ sự phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai hướng ra Bà Rịa.
Xu hướng cước tàu biển tăng cao trong thời gian gần đây do thay đổi về tuyến đường vận tải cũng có tác động đến các loại phí liên quan tại cảng biển, giúp doanh nghiệp cảng biển hưởng lợi.
Trong số các doanh nghiệp ngành cảng biển, Viconship (VSC) và Gemadept (GMD) đang là hai doanh nghiệp có quy mô thuộc hàng đầu trong ngành với hoạt động kinh doanh trải dài từ dịch vụ hậu cần, cho đến dịch vụ cảng biển và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Việc có chuỗi giá trị lớn trong ngành cảng biển Việt Nam và còn nhiều dư địa tăng trưởng về mặt công suất là điểm cộng trong hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp này, khi có thể đáp ứng được sự tăng trưởng về lưu lượng hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh sắp tới.
Ngoài ra, Hải An (HAH) cũng là một trong số các doanh nghiệp cảng biển có mức hiệu quả hoạt động tốt và thu hút được sự chú ý của dòng tiền trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, ngành dệt may cũng đã có sự phục trở lại sau một năm 2023 đầy khó khăn do suy thoái kinh tế toàn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 6 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng dệt may có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 16,5 tỷ USD tăng 4,6%. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, đã nhận đơn hàng cho đến quý III và quý IV/2024, thậm chí sang cả quý I/2025.
Đây là tín hiệu tích cực, bởi so với năm ngoái, các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều đơn hàng hơn ngay từ thời điểm đầu năm. Do đó, có thể kỳ vọng vào sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may trong năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng trưởng 8 - 10% so với cùng kỳ.
Định giá của các doanh nghiệp dệt may hiện tại cũng tương đối rẻ, mặc dù giá của một số cổ phiếu đã tăng mạnh so với đầu năm.
Ngoài ra, việc tỷ giá USD đang ở mức cao và có thể tăng nhẹ trong thời gian tới có thể giúp các doanh nghiệp dệt may được hưởng lợi nhờ vào việc có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc Phân tích, CTCK Kafi |
Hiện tại, không chỉ riêng chúng tôi, mà có nhiều bên đang kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý II và nửa cuối năm của các doanh nghiệp dệt may có thể đạt được mức phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Về góc độ doanh nghiệp trong ngành, có thể kể đến TCM và TNG là hai doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao, có kết quả kinh doanh quý I phục hồi tích cực và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2024.
Nhóm bán lẻ được chắp cánh bởi nhu cầu tiêu dùng hồi phục
Câu chuyện về ngành bán lẻ lại là một câu chuyện tương đối khác biệt trên thị trường. Về mặt tăng trưởng, ngành bán lẻ trong năm 2024 khó có thể quay lại đà tăng trưởng như hồi các năm 2021 - 2022 do sức mua chung của nền kinh tế tuy đã phục hồi, nhưng cơ bản vẫn còn khá yếu.
Về mặt kinh doanh, sức mua cải thiện sẽ có tác động nhất định đến doanh thu của các chuỗi bán lẻ, tuy nhiên mức độ cải thiện về doanh thu của các chuỗi bán lẻ có thể sẽ không mạnh bằng việc các doanh nghiệp đang cố gắng cơ cấu lại hoạt động kinh doanh để hướng tới biên lợi nhuận ròng cao hơn, sau một thời kỳ liên tục mở rộng để tăng độ hiện diện.
Ở đây, có thể ví dụ như hướng đi của Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Hiện doanh nghiệp này đang đóng cửa nhiều cửa hàng trong chuỗi bán lẻ của mình, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận trên mỗi cửa hàng lại được cải thiện rõ rệt.
Nếu xem xét kỹ hơn về nguyên nhân có xu hướng này, chúng ta có thể nhìn vào sự khác biệt trong mô hình kinh doanh của chuỗi bán lẻ Thế giới di động và các chuỗi cửa hàng điện thoại quy mô nhỏ khác.
Các chuỗi bán lẻ điện thoại quy mô nhỏ có danh mục hàng hóa tinh gọn và diện tích trên mỗi cửa hàng tương đối nhỏ nếu so sánh với bình quân một cửa hàng Thế giới di động, nhưng doanh thu bình quân trên mỗi m2 diện tích cửa hàng qua đó cũng có phần cao hơn tương đối.
Do đó, kể từ năm 2023, MWG đã có nhiều thay đổi về hoạt động kinh doanh, cụ thể là đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả và tối ưu chi phí vận hành.
Chúng ta có thể thấy được hiệu quả hoạt động của MWG đã được cải thiện rõ rệt, điển hình là biên lợi nhuận ròng đã tăng từ 0,29% của quý IV/2023 lên gần 2,9% trong quý I/2024, giúp lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này tăng trưởng gần 10 lần so với quý liền kề trước đó, mặc dù doanh thu không cải thiện nhiều.
Về triển vọng của nhóm bán lẻ, chúng tôi không kỳ vọng vào việc doanh thu phục hồi mạnh mẽ khi sức mua nội địa vẫn còn yếu, nhất là đối với các sản phẩm không thiết yếu.
Tuy nhiên, việc các chuỗi bán lẻ như MWG hay FPT Retail (FRT) đang cố gắng cải thiện hiệu quả kinh doanh giúp mang lại kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của lợi nhuận trong năm nay. Về mặt doanh thu, có thể phải đến năm 2025 chúng ta mới có thể thấy được tăng trưởng doanh thu quay trở lại mức 2 chữ số.
Nếu xét về định giá, mặt bằng P/S của ngành bán lẻ hiện tại tương đối thấp, khi chỉ ở mức khoảng 1,45 lần, thấp hơn khoảng 15% so với bình quân 3 năm của ngành lại ở mức 1,72 lần, do đó với kỳ vọng các doanh nghiệp bán lẻ có thể cải thiện hiệu quả hoạt động trong năm 2024, dư địa tăng trưởng của các cổ phiếu trong ngành vẫn còn khá tiềm năng.