NHNN đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung dài hạn từ 1-1,5%/năm

NHNN đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung dài hạn từ 1-1,5%/năm

Hai chỉ thị đầu năm, NHNN đưa thông điệp gì?

(ĐTCK) Như thường lệ, vào đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại có chỉ thị liên quan tới mục tiêu điều hành của ngành ngân hàng cả năm. Năm nay, ngoài các giải pháp thực hiện chính sách tiền tệ (Chỉ thị 01), Thống đốc còn có riêng một chỉ thị (Chỉ thị 02) cho công tác xử lý nợ xấu.

Nửa đầu năm, xử lý 60% nợ xấu 2015

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, Chỉ thị 02 của Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và báo cáo cơ quan quản lý kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015, nhưng phải chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng. Trong đó, có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC.

Mục tiêu là đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại.

“Rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu; kịp thời báo cáo NHNN tình hình, kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu…”, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, thời gian qua, NHNN cũng đã chỉ đạo quyết liệt toàn hệ thống xử lý nợ xấu trong điều kiện nguồn lực tài chính không có nên phải dùng nhiều biện pháp. Ví dụ như các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro, tăng cường công tác thu nợ, xử lý tài sản đảm bảo, hạn chế các khoản nợ xấu phát sinh và một công cụ là VAMC.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nợ xấu vẫn là một rào cản lớn cho các ngân hàng hoạt động bình thường. Một trong các nguyên nhân là do sự hạn chế về thẩm quyền của VAMC.

Theo báo cáo trong thời gian qua, VAMC đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay phục hồi sản xuất - kinh doanh, hoàn thiện các dự án dở dang. Đặc biệt, VAMC đã tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

Tuy nhiên, theo bà Hồng, vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý nợ xấu, trong đó nhấn mạnh vào giải pháp thị trường.

“Năm 2015, cần tập trung triển khai thực hiện việc mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được Chính phủ phê duyệt” bà Hồng cho biết. 

Đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế

Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2015, vẫn là 2 nhiệm vụ cũ và chưa bao giờ là dễ cho ngành ngân hàng bởi sự đối lập nhau, đó là kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có thể thấy rõ thông điệp nới lỏng chính sách trong thông điệp đầu năm của người đứng đầu ngành ngân hàng.

Theo Chỉ thị 01, năm 2015, sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm pháp theo mục tiêu đề ra (dưới 5%). Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế. Đồng thời, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Các chỉ tiêu về cung ứng tiền đã rộng hơn các năm trước. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 13-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; tỷ giá điều chỉnh không quá 2%.

Tín dụng sẽ được ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, với 2 chỉ thị liên tiếp, Thống đốc đang đưa ra thông điệp mạnh về việc nhanh chóng nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành ngân hàng, việc phải thực hiện song trùng chính sách tiền tệ hiệu quả và đảm bảo tái cấu trúc ngành thành công đòi hỏi không chỉ là nỗ lực, mà cả nghệ thuật điều hành.     

Tin bài liên quan