Hacker gia tăng thăm dò tìm lỗ hổng bảo mật trong hệ thống doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Các công ty công nghệ, hệ thống tài chính - ngân hàng tiếp tục là mối quan tâm của các hacker.
Đại diện của Fortinet chia sẻ về kết quả của cuộc khảo sát

Đại diện của Fortinet chia sẻ về kết quả của cuộc khảo sát

Fortinet, công ty hàng đầu thế giới về kiến tạo và thúc đẩy sự hội tụ của mạng và bảo mật, vừa công bố kết quả của một cuộc khảo sát tập trung vào giải pháp SASE tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khảo sát do Tập đoàn IDC thực hiện theo ủy quyền từ Fortinet.

Khảo sát được thực hiện tại 9 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nhằm tìm hiểu quan điểm của các nhà quản lý an ninh mạng đối với phương thức làm việc kết hợp, đặc biệt là sự tác động đến các tổ chức trong năm vừa qua, cũng như chiến lược của các tổ chức trong nỗ lực giảm thiểu các thách thức bảo mật phát sinh từ việc áp dụng phương thức làm việc kết hợp.

Một trong những kết quả đáng chú ý của cuộc khảo sát, đó là sự gia tăng của những nhân viên làm việc từ xa. Theo khảo sát, 70% số người được hỏi tại Việt Nam làm việc theo mô hình kết hợp hoặc từ xa hoàn toàn, trong đó 78% trong số họ có ít nhất 20% nhân viên làm việc theo phương thức kết hợp.

Sự chuyển đổi sang phương thức làm việc từ xa đã khiến nhiều nhân viên trở thành những nhánh truy cập đơn lẻ khi làm việc từ nhà hoặc các địa điểm khác bên ngoài văn phòng truyền thống. Điều này dẫn tới việc sử dụng nhiều thiết bị không được quản lý và nó sẽ gây rủi ro.

Hiện nay, 30% thiết bị kết nối vào mạng ở Việt Nam không được quản lý, làm tăng khả năng vi phạm bảo mật. Những người tham gia khảo sát tại Việt Nam dự đoán con số này sẽ tăng, với 66% dự đoán tăng thêm 50% vào năm 2025.

Khi phương thức làm việc kết hợp ngày càng gia tăng, nhân viên yêu cầu nhiều kết nối với các hệ thống bên ngoài và ứng dụng đám mây để duy trì hiệu suất làm việc. Và vì thế, cũng đã làm gia tăng đáng kể số lượng sự cố bảo mật.

Đã có 34% tổ chức tham gia khảo sát tại Việt Nam báo cáo số vụ vi phạm tăng gấp ba lần. 72% số người được hỏi ở Việt Nam đã trải qua ít nhất gấp đôi số lượng sự cố bảo mật trong thời gian gần đây. Các sự cố bảo mật được ghi nhận nhiều nhất là lừa đảo, từ chối dịch vụ, đánh cắp dữ liệu/nhận dạng, mã độc tống tiền và mất dữ liệu.

Theo chia sẻ của các chuyên gia Fortinet, thì các hacker đang gia tăng thăm dò tìm lỗ hổng bảo mật trong hệ thống doanh nghiệp. Các công ty công nghệ, hệ thống tài chính - ngân hàng tiếp tục là mối quan tâm của các hacker.

“Khi Việt Nam muốn tiếp tục nắm bắt tương lai kỹ thuật số và trở thành nền kinh tế số hàng đầu, chúng ta cần nhận thức về tần suất và mức độ ngày càng tinh vi của các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn trong lĩnh vực an ninh mạng khiến vấn đề này trở nên khó khăn hơn”, ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Quốc gia, Fortinet Việt Nam, chia sẻ.

Theo ông Đức, Fortinet cam kết thu hẹp khoảng cách kỹ năng và cung cấp những kiến thức và nhận thức cần thiết về an ninh mạng cho tất cả nhân viên trong một tổ chức.

“Với giải pháp SASE cung cấp toàn bộ bởi Fortinet, chúng tôi hướng tới việc đơn giản hóa quản lý chính sách bảo mật và nâng cao trải nghiệm người dùng cho nhân viên làm việc từ xa, giúp các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết những thách thức bảo mật phát sinh bắt nguồn từ lực lượng lao động”, ông Đức nói.

Giải pháp SASE được coi là công cụ mang tính “thay đổi cuộc chơi”, an toàn cho phương thức làm việc kết hợp. Hiện tại, nhu cầu về một giải pháp toàn diện với khả năng bảo mật nhất quán cho người dùng trong và ngoài mạng, đồng thời đơn giản hóa việc quản lý chính sách bảo mật và nâng cao trải nghiệm người dùng cho nhân viên làm việc từ xa… đang thúc đẩy nhiều tổ chức tìm hiểu về giải pháp SASE.

“Giải pháp SASE từ một nhà cung cấp duy nhất, với khả năng hợp nhất mạng và bảo mật, đã chứng tỏ là công cụ quan trọng mang tính ‘thay đổi cuộc chơi’ cho nhiều tổ chức trong nỗ lực thiết lập một mô hình bảo mật đơn giản và nhất quán cho người dùng cả trong và ngoài mạng”, ông Rashish Pandey, Phó chủ tịch bộ phận Tiếp thị và Truyền thông, khu vực châu Á, Úc và New Zealand, nhấn mạnh.

Tin bài liên quan