Việc lựa chọn cổ đông chiến lược Carlsberg đã không mang lại giá trị cho Habeco. Ảnh: Đức Thanh

Việc lựa chọn cổ đông chiến lược Carlsberg đã không mang lại giá trị cho Habeco. Ảnh: Đức Thanh

Habeco thất vọng với “người trong mộng” Carlsberg

Từng coi Carlsberg là “người yêu trong mộng”, thậm chí còn chủ động đề xuất Bộ Công thương nâng tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược Carlsberg lên hơn 30%, nhưng Habeco không ngờ mình đã bị phụ tình, điều tệ hơn là điều này xảy ra khi Carlsberg đã nắm trong tay mọi bí mật kinh doanh của Habeco.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương mới đây, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco) bất ngờ thông báo về sự thất vọng với đối tác chiến lược Carlsberg (Đan Mạch).

Ông cho rằng, đây là bài học xương máu đối với 5 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất của Bộ sẽ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020.

Những lần bất thường…

Tháng 6/2015, Habeco đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 lần thứ 2. Tại cuộc họp này, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược Carlsberg vẫn bị bỏ ngỏ.

Trước đó, từ năm 2012, Habeco đã lên kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường xin ý kiến về việc bán 13% cổ phần từ cổ đông nhà nước (Bộ Công thương) cho Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S để tập đoàn này tăng tỷ lệ sở hữu từ 17,23 lên 30,23%. Tuy nhiên, phiên họp đã bị hoãn do chưa được chuẩn bị đầy đủ và chỉ được thông báo trước chưa đến 1 ngày. Từ đó đến nay, phiên họp đó chưa được nhắc lại lần nào và chỉ hé lộ thông tin rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông này phải cân nhắc kỹ càng.

Lúc này, Habeco luôn khẳng định với báo chí, việc bán cổ phần của Nhà nước cho cổ đông chiến lược vẫn đang được Bộ Công thương chỉ đạo xây dựng phương án. Vướng mắc ở đây chính là bản thỏa thuận giữa 2 bên, mà theo đó, đối tác muốn những lợi ích lớn hơn các cổ đông khác và có một số điều không phù hợp với luật pháp Việt Nam.

"Sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết. Điều rủi ro với chúng tôi hiện nay là tập đoàn này đã tham gia HĐQT và nắm rõ chiến lược phát triển, cách phát triển thị trường, kênh phân phối của Habeco" - Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco.

Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Habeco lên kế hoạch bán cổ phần nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ với giá bán đề xuất là 50.015 đồng - giá đấu thành công khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chưa có đối tác cụ thể.

Năm 2003, Habeco được đổi mới lại trên nền tảng của Công ty Bia Hà Nội, 5 năm sau mới chuyển được sang tổng công ty cổ phần. Cùng thời điểm đó, Ban chỉ đạo Cổ phần hóa, HĐQT của Habeco lên kế hoạch thoái vốn theo lộ trình yêu cầu của Chính phủ và Bộ Công thương, theo đó quá trình tuyển chọn đối tác chiến lược bắt đầu.

Sau thông tin trên, Habeco lập tức được 5 tên tuổi sản xuất bia lớn nhất trên thế giới tìm đến đàm phán để trở thành cổ đông chiến lược. Họ đua nhau đưa ra các điều kiện, cam kết muốn “ăn ở” lâu dài với Habeco. Tuy nhiên, chỉ có Carlsberg lọt vào mắt xanh của Habeco.

“Đó là một tên tuổi có vị thế thứ ba trên thị trường bia thế giới, với cách làm việc rất thiện chí, mong muốn gắn bó lâu dài, cũng đáp ứng được tiêu chí của Habeco cùng ngành nghề, có công nghệ, thương hiệu, tài chính, quản trị mạnh”, ông Linh kể lại.

Tuy nhiên, Habeco dành sự ưu ái này cho Carlsberg là có lý do khác. Một năm trước khi chính thức tuyên bố Carlsberg trở thành đối tác chiến lược, Habeco đã ký thỏa thuận mua bán cổ phần với Carlsberg. Thỏa thuận bao gồm những điều khoản ràng buộc là Carlberg sẽ hỗ trợ Habeco phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cấp quản trị doanh nghiệp.

“Nhưng sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết trên. Điều rủi ro với chúng tôi hiện nay là Tập đoàn này đã tham gia HĐQT và nắm rõ chiến lược phát triển, cách phát triển thị trường, kênh phân phối của Habeco”, ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, trong thời gian tới, phải làm việc dứt điểm về điều này để không làm ảnh hưởng đến các cổ đông khác. Tuy nhiên, với những ràng buộc chặt chẽ của Carlsberg, Habeco phải xin chỉ đạo của Bộ Công thương để có giải pháp cho vấn đề này. Habeco đề nghị được thoái vốn, bán cổ phần theo lô để thực hiện đúng mục tiêu lộ trình thoái vốn của Chính phủ và Bộ Công thương đưa ra.

Bài học xương máu

“Việc lựa chọn cổ đông chiến lược Carlsberg đã không mang lại giá trị cho Habeco. Đây là bài học với doanh nghiệp khi chọn cổ đông chiến lược để thoái vốn. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc giải quyết nhiệm vụ Chính phủ đưa ra trong 2015- 2016”, ông Linh thừa nhận tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.

Hiện tại, Nhà nước đang có kế hoạch bán trên 51% vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và câu chuyện của Habeco là bài học xương máu đối với việc chọn cổ đông chiến lược của Sabeco. Sau 8 năm cổ phần hóa tại Sabeco, hiện Nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần, Heineken nắm khoảng 5%, các cổ đông khác giữ tỷ lệ còn lại.

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Sabeco đang xây dựng phương án thoái vốn hai đợt, mỗi đợt 20-30%. Sabeco sẽ chọn một đối tác chiến lược về ngành bia và một đối tác chiến lược về ngành nước giải khát, thực phẩm. Mỗi đối tác chiến lược sẽ được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ của Sabeco. Các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về ngành đồ uống và thực phẩm như Heineken, (Hà Lan), A-B (Mỹ), InBev (Bỉ), ThaiBev (Thái Lan), Asahi (Nhật) muốn làm nhà đầu tư chiến lược của Sabeco.

Tuy nhiên, có vẻ Sabeco tỉnh đòn hơn Habeco ở phần chọn đối tác chiến lược. Điều này thể hiện qua tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là có khống chế các đối tác cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với Sabeco. Cách này giúp Sabeco an toàn hơn trước chiến lược ma mãnh của các đối tác ngoại trên thế giới. 

Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Công thương), nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng: “Các lãnh đạo Habeco mới gặp Carlsberg đã rất thíchù, nên khi làm việc và ký kết hợp đồng không đưa ra ý kiến gì hết. Thậm chí, Carlsberg còn muốn làm chủ hôn, sau này nếu Habeco muốn đi thêm bước nữa cũng phải xin ý kiến Carlsberg”.

Theo ông Tuất, đây là bài học lớn khi làm việc với đối tác nước ngoài. “Chúng tôi sẽ thuê tư vấn nước ngoài, nếu không rất dễ lặp lại “vết xe đổ” của Habeco. Đặc biệt, khi làm hợp đồng, cần có phụ lục kèm theo, như nếu sau này có quy định mới của Chính phủ thì phải thay đổi theo tình hình thực tế”, ông Tuất cho biết.

Từ trường hợp của Habeco, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng rất lo ngại và cho biết, năm 2016, Bộ Công thương sẽ tổ chức một diễn đàn để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào làm đối tác chiến lược cho các doanh nghiệp đã cổ phần.

“Chúng tôi đang trong quá trình tìm một số nhà tư vấn nước ngoài, các quỹ đầu tư để giới thiệu hàng hóa của Bộ Công thương như Habeco, Sabeco. Và trong giai đoạn 2016-2020 sẽ là 5 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất của Bộ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Tin bài liên quan