Quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 240,8 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ.

Quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 240,8 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ.

Habeco: Quản trị tốt chi phí, lợi nhuận tăng trưởng trở lại

(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý II/2019 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN - sàn HOSE) đã cho thấy những tín hiệu lạc quan khi lợi nhuận sau thuế lấy lại sự tăng trưởng nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện và các chi phí được tiết giảm đáng kể so với cùng kỳ. 

Lợi nhuận quý II/2019 tăng trưởng 12,2%

Báo cáo tài chính của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội vừa công bố cho biết, trong quý II/2019, mặc dù doanh thu thuần đạt 2.432,2 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế thu về 240,8 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 237,1 tỷ đồng, tăng 18,3%.

Cụ thể, trong quý II/2019, chi phí bán hàng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu giảm xuống 12,5% từ mức 12,8% cùng kỳ.

Chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay cũng ghi nhận mức giảm 34,1% nhờ dư nợ vay ngân hàng được giảm mạnh. Tính đến cuối quý II/2019, nợ vay của BHN là 485,4 tỷ đồng, giảm 116,3 tỷ đồng so với đầu năm. So với cách đây 1 năm, dư nợ vay đã giảm 344 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn hiện khá an toàn, ở mức 5,3%.

Chiều ngược lại, doanh thu tài chính ghi nhận mức tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 43,4 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ lãi tiền gửi tăng mạnh. Tính đến 30/6/2019, BHN đang có 3.826 tỷ đồng số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại, tăng gần 50 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 365 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018. Đây cũng là khoản mục lớn nhất trong tổng tài sản của BHN với tỷ lệ lên đến 41,7%.

Trong 3 năm trở lại đây, số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại tại BHN liên tục gia tăng. Nguyên nhân là nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt, đáp ứng các nhu cầu đầu tư và chi trả cổ tức tiền mặt.

Riêng trong nửa đầu năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về 281,4 tỷ đồng. Trong năm 2018, dòng tiền kinh doanh của Công ty thặng dư 372 tỷ đồng, năm 2017 đạt 739,5 tỷ đồng. Như vậy, so với dư nợ vay hiện tại, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà BHN đang sở hữu lớn hơn gần 8 lần.

Bên cạnh công tác quản lý chi phí hiệu quả, biên lợi nhuận gộp của BHN cũng cho thấy sự cải thiện. Sau khi sụt giảm mạnh xuống 21,4% trong quý I/2019 - mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây, trong quý II, biên lợi nhuận gộp đã tăng trở lại và đạt 27,3%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, đưa biên lợi nhuận gộp 6 tháng lên mức 25%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ BHN đạt 335,4 tỷ đồng, tăng 1,1% so với nửa đầu năm 2018, lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian liên tục sụt giảm.

Vững vàng vượt qua khó khăn

Với năng lực sản xuất đạt 845 triệu lít/năm, Habeco hiện là 1 trong 4 doanh nghiệp sản xuất bia lớn thứ 3 tại Việt Nam, cùng với Sabeco, Heineken và Carlsberg. Năm 2018, tổng sản lượng tiêu thụ bia các loại của Habeco đạt 434,5 triệu lít, chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ bia cả nước.

Habeco: Quản trị tốt chi phí, lợi nhuận tăng trưởng trở lại ảnh 1

Tháng 5/2019, BHN đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với thông điệp “Sức bật Việt Nam” được đánh giá cao về tính hiện đại, đánh dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển, tái định vị thương hiệu của Tổng công ty.

Bắt tay với Dentsu - một trong những đơn vị tư vấn chiến lược thương hiệu hàng đầu châu Á, để xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2019 - 2021, tháng 5 vừa qua, BHN đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với thông điệp “Sức bật Việt Nam”, được đánh giá cao về tính hiện đại, đánh dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển, tái định vị thương hiệu của Tổng công ty.

Tiếp đó, trong tháng 6/2019, BHN đã cho ra mắt hai sản phẩm mới là Hanoi Bold và Hanoi Light hướng đến phân khúc cao cấp dành cho giới trẻ. Bổ sung thêm vào nhóm các sản phẩm cao cấp hiện nay như Hanoi Beer Premium và Bia Trúc Bạch.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất bia của Việt Nam đang chậm lại từ trên 10%/năm giai đoạn 2015 - 2016 đến năm 2018 chỉ còn 5%. Tuy nhiên, phân khúc bia cao cấp vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 15%/năm nhờ thu nhập bình quân ngày càng tăng tạo ra xu hướng chuyển dịch tiêu dùng.

Song song với phát triển sản phẩm, thay đổi nhận diện thương hiệu, BHN cũng đang đầu tư hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể (dự án ERP), dự kiến sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1 trong quý IV/2019.

Việc thực hiện dự án xây dựng hệ thống ERP tại Tổng công ty song song với kế hoạch mở rộng sang các công ty thương mại, tích hợp với hệ thống quản lý và hỗ trợ bán hàng (DMS) được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản trị và tiết giảm chi phí hoạt động cho BHN trong những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan