Ngành bia chưa qua thời gian khó
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn số liệu ước tính của AC Nielsen cho biết, tiêu thụ bia trong nước đánh dấu sự sụt giảm khoảng 9% trong 9 tháng đầu năm 2023. Kết quả này cho thấy, tình hình khó khăn của nền kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng đã tác động tiêu cực đến sức cầu với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó, các mặt hàng bia, rượu thuộc nhóm tiêu dùng không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyết liệt Nghị định 100/2019/NĐ-CP về nồng độ cồn cũng làm thay đổi đáng kể thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng bia, rượu.
Bối cảnh đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tại Habeco, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Tổng công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh thu 9 tháng đầu năm giảm 11,9% so với cùng kỳ. Doanh thu của Heineken ước tính giảm tới 15%.
Sức cầu yếu cũng khiến áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt hơn. Các nhãn hàng lớn, nhất là thương hiệu bia của các tập đoàn đa quốc gia, vốn được hậu thuẫn lớn về kinh nghiệm và nguồn lực tài chính đã liên tục tung ra các chương trình giảm giá bán, khuyến mãi để phát triển thương hiệu, phát triển thị trường và giải phóng tồn kho, buộc các doanh nghiệp trong nước không thể đứng ngoài xu hướng. Tại Habeco, mặc dù doanh thu sụt giảm, để đảm bảo giữ được thị phần, chi phí bán hàng trong quý III/2023 đã tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu lên đến 17,1%, cao nhất nhiều quý gần đây.
Tình hình còn thêm khó khăn khi thị trường hàng hóa thế giới vẫn tiếp tục biến động bất thường, giá nhiều loại nguyên vật liệu sản xuất chính của ngành bia như bột trợ lọc, hoa houblon, vỏ hộp bia, đặc biệt là malt - nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất bia, tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao. Trong khi đó, sức cầu yếu và áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải thận trọng trong việc tăng giá bán sản phẩm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận.
Sản phẩm bia Habeco có lợi thế cạnh tranh ở phân khúc bình dân |
Kết quả là phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều báo cáo lợi nhuận sụt giảm mạnh hơn đáng kể mức giảm của doanh thu. Habeco báo lãi trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2023 đạt 376,5 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sabeco báo lãi trước thuế 9 tháng giảm 24,4%. Công ty Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi báo lãi giảm 47,5%, Công ty Bia Sài Gòn - Sông Lam báo lãi giảm 47,3%…
Với tình hình nền kinh tế hiện nay, sức cầu tiêu thụ ảm đạm với các sản phẩm bia, rượu được dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong quý IV và tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2024 - vốn là mùa cao điểm kinh doanh thường niên của các doanh nghiệp trong ngành.
Kỳ vọng gia tăng thị phần
Bối cảnh kinh doanh của ngành bia nói chung đang có nhiều khó khăn khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Tuy vậy, giai đoạn hiện nay lại được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa, trong đó có Habeco gia tăng thị phần, khi người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển từ sử dụng các sản phẩm cao cấp, cận cao cấp xuống các dòng sản phẩm ở phân khúc bình dân. Trong khi đó, đây là phân khúc sản phẩm truyền thống của Habeco, từ lâu đã ghi dấu thành công tại khu vực nông thôn các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các dòng sản phẩm bia chai/bia lon Hà Nội, bia hơi Hà Nội nhờ chất lượng tốt và mức giá hợp lý.
Lợi thế cạnh tranh này càng được củng cố nhờ hệ thống phân phối - bán hàng được quy hoạch toàn diện trong những năm vừa qua, kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống thông qua các đại lý, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ với các gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee giúp phục vụ tốt hơn cho nhu cầu mua về nhà sử dụng (off-premise) trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm các hoạt động ăn uống và giải trí ở bên ngoài để tiết giảm chi phí và tránh bị xử phạt vi phạm về nồng độ cồn.
Thực tế trong 9 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của Habeco cho thấy sự sụt giảm về doanh số ít hơn đáng kể so với Sabeco hay Heineken – những doanh nghiệp vốn có tỷ lệ đóng góp của các dòng sản phẩm thuộc phân khúc cận cao cấp và cao cấp nhiều hơn trong cơ cấu doanh thu.
Song song với việc đẩy mạnh khai thác, mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống, giúp củng cố nền tảng vững chắc trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Habeco vẫn tập trung vào công tác phát triển các dòng sản phẩm mới trong định hướng hoàn thiện cả về hình thức và chất lượng cho các dòng sản phẩm trọng điểm tại từng phân khúc thị trường để nâng tầm thương hiệu.
Sau khi cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới gây ấn tượng cho người tiêu dùng với hình ảnh nhà máy Bia Hà Nội 1890 và nhà máy Bia Hà Nội hiện đại, mới đây, Habeco đã cho ra mắt nhận diện mới của dòng sản phẩm Hanoi Beer Premium, sản phẩm sử dụng nguyên liệu lúa mạch nhập khẩu từ Úc, Hoa bia (hay còn gọi là hoa Houblon) từ châu Âu kết hợp với bí quyết lên men dài ngày và công nghệ lọc lạnh âm hiện đại giúp cho bia đạt đúng độ chín, loại bỏ tạp hương có trong bia non, lưu giữ men bia tươi mát, thuần khiết kết hợp hương thơm đẳng cấp, dịu êm và sắc bia vàng trong óng ánh, riêng biệt. Qua đó, Habeco kỳ vọng sẽ mang đến trải nghiệm mới mẻ, đẳng cấp cho người tiêu dùng
Lễ hội Bia Hà Nội 2023 - sự kiện văn hóa - ẩm thực thường niên do Habeco tổ chức trong hai ngày 17 và 18/11/2023 tại Hà Nội, bộ nhận diện mới của các dòng sản phẩm truyền thống được Habeco ra mắt đã nhận được được những phản hồi tích cực từ đông đảo người tiêu dùng.
Hiện Tổng công ty cũng đang tích cực chuẩn bị cho chương trình khuyến mại tri ân khách hàng và chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 - chương trình thường niên và lớn nhất trong năm với giá trị giải thưởng lên đến hàng chục tỷ đồng, với kỳ vọng sẽ là “cú huých” thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của Habeco trong mùa cao điểm tiêu dùng đang đến gần.