Sản lượng tiêu thụ tăng trưởng nhanh trở lại
Sau 2 tháng kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và ngành thực phẩm, đồ uống nói riêng đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành đồ uống đã tăng 12,08% so với tháng 10/2021 và ghi nhận tháng cao thứ 2 kể từ đầu năm.
Trước đó, chỉ số này cũng ghi nhận sự hồi phục mạnh trong tháng 10 - ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, với mức tăng 31,4% so với tháng 9. Riêng với ngành sản xuất bia và mạch nha ủ men bia, chỉ số IPP ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp với mức tăng lần lượt là 34,4% và 17,7% so với tháng liền trước.
Trong xu hướng phục hồi sản xuất và tiêu dùng của cả nền kinh tế, ngay từ đầu tháng 11/2021, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) đã tổ chức đồng thời hai chương trình khuyến mại chào đón Tết 2022 là “Mở thưởng trúng lớn phát lộc cùng Bia Hà Nội” của Bia Hà Nội Xanh và “Bật nắp ngay trúng triệu lộc vàng”, áp dụng cho sản phẩm Bia Hà Nội Vàng, dự kiến kéo dài đến hết tháng 2/2022 với tổng giá trị giải thưởng lên tới 26 tỷ đồng.
Việc triển khai chương trình khuyến mại thường niên lớn nhất trong năm ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, sức cầu hồi phục đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng mạnh.
Nếu như tháng 10, sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty đạt 20,1 triệu lít thì trong tháng 11- tháng triển khai đồng thời 2 chương trình khuyến mại lớn, sản lượng tiêu thụ đã đạt 26,4 triệu lít, tăng trưởng 31,3% so với tháng liền trước.
Bước sang tháng 12, trong điều kiện kinh doanh nhiều thuận lợi, biện pháp nới lỏng giãn cách tiếp tục được duy trì, Giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2022) diễn ra, đặc biệt là việc chính thức đưa gian hàng chính hãng Habeco chào sàn Tiki - 1 trong 3 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam (theo Bảng xếp hạng Iprice Group dựa trên số lượng truy cập web mỗi tháng trong quý III/2021), Ban lãnh đạo Công ty đã tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng với mục tiêu sản lượng tiêu thụ 28,5 triệu lít. Với kết quả đã thực hiện đến nay, ước tính, Công ty có thể đạt tối thiểu 95% kế hoạch.
Việc sản lượng tiêu thụ phục hồi cũng đang được kỳ vọng sẽ giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận gộp sau khi chịu ảnh hưởng bởi hiệu suất hoạt động thấp trong quý III vừa qua.
Trước đó, do ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài, doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phải tập trung vào công tác phòng, chống dịch, nhiều chi phí sản xuất gia tăng trong khi sản lượng sản xuất, kinh doanh giảm đã khiến doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của Habeco trong quý III/2021 lần lượt giảm 36,76% và 59,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Mới đây, Hội đồng quản trị Habeco đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 23,8%.
Mới đây, Hội đồng quản trị Habeco đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 23,8% (2.380 đồng/cổ phiếu). Với 231,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Tổng công ty sẽ cần hơn 551,6 tỷ đồng để thực hiện đợt thanh toán cổ tức này.
Trong điều kiện sản xuất - kinh doanh nhiều khó khăn, việc cân đối nguồn lực tài chính để duy trì chi trả cổ tức tiền mặt cho thấy những nỗ lực của Ban lãnh đạo Habeco trong việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, giúp cổ đông yên tâm đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên ngày 9/12 vừa qua, Habeco một lần nữa được vinh danh trong nhóm 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021 do Forbes Việt Nam xếp hạng.
Triển vọng khả quan dù còn nhiều thách thức
Việc các địa phương mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế đã và đang giúp điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp thực phẩm đồ uống giảm bớt khó khăn. Với Habeco, việc sở hữu nhiều dòng sản phẩm thuộc phân khúc bia phổ thông cũng góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Tổng công ty trong xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng khi thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy vậy, với việc kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on-premise) chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam (theo số liệu năm 2019 của Euromonitor) vẫn chịu ảnh hưởng bởi tâm lý e ngại tới nhà hàng, quán ăn, hay các hoạt động tập trung đông người như cưới hỏi, hội nghị, cũng như sự đình trệ của hoạt động du lịch, nhất là sự thiếu vắng du khách quốc tế, để sức cầu có thể trở lại mức trước khi dịch bệnh Covid-19 sẽ còn khá xa.
Sức cầu yếu càng khiến áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành gay gắt hơn khi các thương hiệu bia tích cực tung ra sản phẩm mới, đẩy mạnh sự hiện diện ở tất cả các phân khúc, liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, đầu tư cho hệ thống phân phối cạnh tranh giành thị phần tại các thị trường truyền thống, phân khúc thế mạnh của Habeco.
Sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới với khả năng lây lan nhanh và khiến nhiều quốc gia châu Âu phải siết chặt lại các biện pháp giãn cách sau thời gian gần đây cũng đang là biến số khó lường khi các cơ sở dịch vụ đồ uống vốn được xếp vào nhóm “dịch vụ không thiết yếu” và phải đóng cửa trong thời gian dài hơn các ngành kinh doanh khác. Thậm chí, yêu cầu đóng cửa các cơ sở dịch vụ đồ uống vẫn áp dụng tại những khu vực có nguy cơ cao khi nhiều cơ sở kinh doanh khác đã được mở cửa.
Trong bối cảnh khó khăn, thời gian qua, Ban lãnh đạo Habeco đã đưa ra nhiều phương án kinh doanh linh hoạt để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới như đẩy mạnh bán hàng online, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử kết hợp với triển khai các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng lớn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động qua quy hoạch mạng lưới nhà phân phối, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ bán hàng, cũng như tiếp tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm nhằm nắm bắt đáp ứng xu hướng luôn muốn thử các sản phẩm mới của người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ…
Những nỗ lực này đã nhanh chóng đem lại kết quả khả quan, đóng góp vào hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty.
Đơn cử như với việc đưa sản phẩm lên sàn Tiki vào tháng 12/2021, chỉ trong 12 ngày đầu tiên đã có 31.881 lượt khách ghé thăm gian hàng và sản phẩm, 405 đơn hàng được thực hiện với 598 sản phẩm bán ra. Đặc biệt, trong chiến dịch sale ngày 12/12/2021 của Tiki, Habeco đã lọt Top 5 thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bán chạy nhất trên trang thương mại điện tử này.
Đến thời điểm này, Habeco đã mặt trên hai nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam là Tiki và Shopee (từ đầu tháng 11/2021) và sắp tới sẽ là Lazada. Những kết quả bước đầu khả quan đã cho thấy định hướng đúng đắn của Công ty trong việc gia tăng các kênh phân phối mới để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.
Chiến lược kinh doanh linh hoạt kết hợp với nền tảng thương hiệu mạnh, uy tín và năng lực sản xuất lớn được đánh giá không chỉ giúp Tổng công ty vượt qua thách thức ngắn hạn của môi trường kinh doanh, mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển mạnh mẽ hơn khi thị trường bia đang bước vào giai đoạn phục hồi “hậu Covid-19”.