Habeco: Đối mặt nhiều khó khăn trong nửa cuối năm

Habeco: Đối mặt nhiều khó khăn trong nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) trong nửa cuối năm 2021 dự báo khó khăn hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng.

Bức tranh tài chính nửa đầu năm

Kết thúc nửa đầu năm 2021, báo cáo tài chính hợp nhất của Habeco cho biết, Tổng Công ty đã đạt 3.367,1 tỷ đồng doanh thu, tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp xấp xỉ 842 tỷ đồng, tăng 18,04%.

Công tác quản lý chi phí ghi nhận tín hiệu tích cực với chi phí quản lý giảm 6,07% so với cùng kỳ năm 2020, chi phí tài chính giảm 32,35%. Ngược lại, doanh thu tài chính tăng 7,1%, đạt 60,2 tỷ đồng. Kết quả, Habeco đạt 229,47 tỷ đồng tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong nửa đầu năm 2021, tăng 57,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, dư nợ vay của Tổng công ty tiếp tục xu hướng giảm với tổng nợ vay ngắn và dài hạn đến 30/06/2021 còn 185,1 tỷ đồng, giảm 136 tỷ đồng (tương đương 42,3%) so với đầu năm.

Nhiều khó khăn trong nửa cuối năm

Trong nửa cuối năm 2021, triển vọng kinh doanh của HABECO đang khó khăn hơn khi đợt lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 thứ 4 diễn biến phức tạp. Các giải pháp khoanh vùng, cách ly, giãn cách,…khiến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng,…gần như đình trệ. Thu nhập của người lao động giảm sút làm giảm nhu cầu tiêu dùng bia, rượu, bên cạnh ảnh hưởng kéo dài của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Sức cầu yếu sẽ khiến áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất gay gắt hơn. Đồng thời khiến công ty khó chuyển áp lực tăng giá nguyên vật liệu sang giá bán trong khi giá nguyên vật liệu sản xuất có xu hướng tăng gây sức ép lên biên lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp “vượt khó”, bao gồm đa dạng hoá dòng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng sản phẩm để vừa đáp ứng đa dạng thị hiếu người tiêu dùng, vừa phù hợp với các kênh phân phối mua về nhà (siêu thị, cửa hàng bán lẻ) và kênh Thương mại điện tử (E-Commerce).Tiếp tục chú trọng quảng bá thương hiệu và hỗ trợ hệ thống phân phối, nghiên cứu, khai thác và áp dụng các giải pháp tài chính để hỗ trợ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đơn vị thành viên gặp khó khăn.

Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp Tổng Công ty vượt qua thách thức ngắn hạn của môi trường kinh doanh, hạn chế khả năng đối mặt với khó khăn thua lỗ. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để hỗ trợ hệ thống phân phối, bảo vệ thị phần trong điều kiện kinh doanh khó khăn hơn có thể làm tăng chi phí hoạt động và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tin bài liên quan