Doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp mở rộng
Theo báo cáo tài chính vừa được Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) công bố, trong quý II/2024 vừa qua lợi nhuận trước thuế thu về đạt 220,6 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chủ yếu là do giảm nguồn thu từ lãi tiền gửi trong xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất trong nước. Trong khi hoạt động kinh doanh chính của Tổng công ty vẫn ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.
Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu thuần của Tổng công ty tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.327,8 tỷ đồng. Giá vốn tăng chậm hơn với chỉ 7,4% giúp lợi nhuận gộp đạt 643,5 tỷ đồng, tăng 21% so với quý II/2023. Biên lợi nhuận gộp đạt 27,6%, tăng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu và biên lợi nhuận gộp cao nhất của Habeco trong 1,5 năm trở lại đây. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Habeco đạt 3.647 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 207,8 tỷ đồng.
Bên cạnh doanh thu tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp cải thiện, việc quản lý tốt chi phí, dòng tiền cũng là điểm sáng của Habeco. Cụ thể, tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu trong quý 2/2024 lần lượt là 14,6% và 5,6%, thấp nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Trong nửa đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty thặng dư 403,7 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 30/06/2024, tổng số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn đạt 4.251 tỷ đồng, tăng 9,3% so với đầu năm, qua đó chiếm 58,4% tổng tài sản hợp nhất. Trong khi đó, số dư nợ vay chỉ còn 58,4 tỷ đồng, giảm 50% so với đầu năm. Số dư nợ vay này toàn bộ nằm tại các đơn vị thành viên, Công ty mẹ Habeco tiếp tục hoàn toàn không sử dụng nợ vay. Nền tảng tài chính mạnh một mặt giúp Habeco có nguồn lực để chủ động trong các kế hoạch kinh doanh, đầu tư. Mặt khác là đã tạo ra khoản thu nhập từ lãi tiền gửi đóng góp đáng kể vào lợi nhuận.
Mới đây, Hội đồng quản trị Tổng công ty cũng vừa thông qua nghị quyết chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức cho năm 2022 ở mức 1.500 đồng/CP, tương ứng tổng số tiền cổ tức chi trả là 347,7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2024. Việc duy trì trả cổ tức tiền mặt đều đặn cho thấy nỗ lực của ban điều hành Tổng công ty trong việc đảm bảo duy trì quyền lợi cho cổ đông mặc dù điều kiện kinh doanh còn có nhiều khó khăn.
Dù khó khăn, thách thức còn ở phía trước
Mặc dù kết quả kinh doanh của Habeco đã phục hồi tích cực trong quý 2 vừa qua, tuy nhiên môi trường kinh doanh của Habeco được đánh giá vẫn đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, tại thị trường trong nước, bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, quy định kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn khi tham gia giao thông cùng việc xử lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến sức cầu tiêu thụ sản phẩm bia, rượu. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Tổng sản lượng bia sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 2.135,6 triệu lít, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6/2024, mức giảm lên đến 8,9%.
Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) thị trường bia của Việt Nam đã sụt giảm hai con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm từ đầu năm đến nay khiến các doanh nghiệp trong ngành phải thu hẹp hoạt động sản xuất – kinh doanh. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Quý II/2024 cũng ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%. Công suất sản xuất của toàn ngành vẫn ở mức dưới 80% so với năng lực. So với trước đại dịch Covid-19, sản lượng sản xuất chỉ đạt 60% so với công suất thiết kế, sản lượng và doanh thu giảm từ 20 - 25%, lợi nhuận giảm 30%,…
Cuối tháng 6/2024 vừa qua, Heineken Việt Nam đã xác nhận đang tiến hành các thủ tục để tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia tại Quảng Nam với lý do từ sau giai đoạn dịch COVID-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối mặt rất nhiều thách thức, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Việc triển khai Nghị định 100/2019 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen tiêu dùng mới của người tiêu dùng khiến hãng phải quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh để có thể thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển.
Sức cầu yếu khiến áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành tiếp tục gay gắt. Các hãng sản xuất liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu bán hàng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá có ưu thế vượt trội về mọi mặt so với các nhà sản xuất trong nước.
Tình hình được dự báo còn khó khăn hơn khi tại dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm rượu, bia. Theo đó, bia các loại chịu thuế 80% từ 2026 và 100% vào 2030. Với lộ trình này, giá các mặt hàng dự kiến sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm 2-3% ở các năm tiếp theo. Nếu các doanh nghiệp tăng giá bán, thì sức cầu tiếp tục bị ảnh hưởng. Nếu không tăng giá bán tương ứng, biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp.
Bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới vẫn đang được xem xét có khả năng làm tăng giá bán sản phẩm khi áp dụng, hoặc ít nhất có thể gây khó khăn cho các hãng bia trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận (nếu muốn giữ giá bán ổn định).
Trước tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm nay, Tổng Công ty Habeco đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, từ thúc đẩy bán hàng thông qua các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng đến chính sách bán hàng hấp dẫn cho các đối tác phân phối. Tiếp tục tập trung phát triển kênh Thương mại điện tử với gian hàng chính hãng trên các sàn thương mại điện tử và Website bán hàng chính hãng Tổng Công ty song song với các hoạt động truyền thông trực tiếp, kết nối với khách hàng mục tiêu qua các sự kiện trực tiếp. Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Sự kiện Hanoi Premium Bar 2024 sẽ được tổ chức tại 7 địa điểm trên khắp 6 tỉnh thành phía Bắc- những thị trường truyền thống và trọng điểm của Tổng công ty, đã thu hút đông đảo khách hàng tham gia trải nghiệm và thu về những phản hồi tích cực.
Việc chủ động lên kế hoạch và thực hiện giải pháp ứng phó với khó khăn của môi trường kinh doanh đã phản ánh tích cực vào bức tranh tài chính, kinh doanh của công ty trong quý 2 cũng như nửa đầu năm nay. Theo đó, Tổng công ty được dự báo sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.