Nhân viên y tế kiểm tra tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 23/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện lên đến 484 tỷ USD, nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 cũng như tăng cường xét nghiệm.
Gói cứu trợ này đã nâng tổng chi phí hỗ trợ của Mỹ dành cho cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 lên tới gần 3.000 tỷ USD.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dự luật này sẽ hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế do đại dịch khiến 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần qua.
Bên cạnh đó, dự luật cũng giúp thúc đẩy hoạt động xét nghiệm virus SARS-CoV-2, một yếu tố quan trọng quyết định việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Dự luật gồm ngân sách bổ sung 310 tỷ USD cho Chương trình bảo vệ tiền lương, trong đó có 60 tỷ USD dành riêng cho ngân hàng cộng đồng và các nhà cho vay nhỏ, 75 tỷ USD cho các bệnh viện, 25 tỷ USD cho xét nghiệm và 60 tỷ USD cho các khoản vay và trợ cấp thảm họa khẩn cấp.
Trước đó, dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua bằng cuộc bỏ phiếu miệng sau khi bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa được giải quyết.
Ngay sau khi được thông qua, dự luật này sẽ được chuyển tới Nhà Trắng, nơi Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ nhanh chóng ký thành luật.
Tổng thống Trump cho biết biết ngay sau khi ký dự luật, ông sẽ bắt đầu thảo luận về dự luật giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 giai đoạn 4, trong đó sẽ có những khoản trợ giúp nhiều hơn cho các tiểu bang và chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế và cắt giảm thuế.
Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng thông qua đề xuất thành lập một hội đồng điều tra đặc biệt nhằm kiểm tra công tác ứng phó của chính quyền liên bang đối với đại dịch COVID-19.
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ các nghị sỹ của đảng Cộng hòa, song đề xuất này vẫn được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Theo quy định, hội đồng trên sẽ có quyền hạn rộng lớn để tiến hành điều tra cách thức chi tiêu của liên bang, sự sẵn sàng của nước Mỹ và những sự thận trọng của chính quyền Tổng thống Trump trong việc đối phó với đại dich COVID-19.