Theo cáo trạng, cuối tháng 11/2012, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank) và Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Thiên Thanh) thống nhất về việc Danh vay 500 tỷ đồng của Oceanbank thông qua Công ty Trung Dung. Do không có tài sản đảm bảo, Danh mượn tài sản của bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ).
Hai bên ký hợp đồng cho mượn tài sản gồm quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) và 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG của nhóm Hứa Thị Phấn, Hứa Thị Bích Hạnh và Ngô Kim Huệ.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn gồm phần vốn góp 250 tỷ đồng tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Trung Dung. Số tiền 500 tỷ đồng được giải ngân cho Công ty Trung Dung vào tài khoản Vietcombank rồi chuyển đến tài khoản mở tại Ngân hàng Đại Tín. Cuối cùng, số tiền được thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận vi phạm quy định cho vay về tài sản thế chấp. Song bị cáo cho rằng, bị cáo và Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank) đưa ra hình thức bổ sung là ký cam kết 3 bên phong tỏa số tiền 500 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín để sử dụng đúng mục đích.
Đối với các bất động sản, bị cáo yêu cầu Tập đoàn SSG phải ký xác nhận thế chấp. Bị cáo cho rằng những việc làm trên nhằm khắc phục vi phạm. Về phần vốn góp 250 tỷ đồng, bị cáo Hà Văn Thắn dựa vào niềm tin giá trị trung tâm thương mại (ở Tô Hiến Thành) Công ty Trung Dung đang sở hữu.
Bị cáo Thắm mong tòa xem xét việc Ngân hàng Đại Tín giải ngân cho khách hàng không đúng mục đích, không phong tỏa tài khoản. Mặt khác, bị cáo thúc giục nhân viên kiểm tra tài sản sau khi cho vay.
HĐXX trích dẫn một số tài liệu thể hiện, báo cáo thẩm định từng cảnh báo khoản vay “yếu về tài sản”, báo cáo tài chính không có kiểm toán độc lập, không trung thực, giá trị tài sản không đảm bảo.
Do bị cáo Phấn có đơn xin xét xử vắng mặt, HĐXX đã công bố lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra. Bị cáo Phấn khai, do bị Thắm đe dọa, để tránh liên quan đến pháp luật nên đã đồng ý cho Danh mượn tài sản với điều kiện tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín.
“Tôi và người nhà cùng ký các thủ tục cầm cố, thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay của anh Danh. Việc làm này do anh Thắm điện thoại cho tôi”, bà Phấn khai.
Trước đó, bị cáo Danh cho rằng “ý tưởng” vay 500 tỷ đồng của Oceanbank do bà Phấn nghĩ ra vì nhu cầu thanh khoản ngân hàng. Hà Văn Thắm từng hứa hỗ trợ Ngân hàng Đại Tín.
Bị cáo Thắm khẳng định: “Bị cáo không nợ nần anh Danh, bà Phấn. Bị cáo không thể cho vay sai được. Bị cáo là ông chủ Oceanbank, không có lý gì gây hại cho mình”.
Đại diện Oceanbank đề nghị xem xét buộc Công ty Trung Dung và các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 500 tỷ đồng và lãi.
Ngân hàng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Xây dựng không thực hiện cam kết 3 bên dẫn đến giải tỏa số tiền 500 tỷ đồng.
Oceanbank cũng đề nghị được tiếp tục duy trì kê biên các tài sản của bên thế chấp.
Số tiền 500 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của 5 cá nhân. Đây là những người thụ hưởng cuối cùng. Vì vậy, Oceanbank đề nghị tòa xem xét áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, buộc các cá nhân trên giao lại tiền để đảm bảo thi hành án.