Ngày 26/7/2011, Công ty TNHH một thành viên Hà Thành đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Bảo Hưng để bảo vệ công trình xây dựng trụ sở Công an huyện Chương Mỹ.
Quá trình thực hiện, Công ty Bảo Hưng đã đưa nhân viên đến làm nhiệm vụ bảo vệ tại công trường theo đúng thỏa thuận. Đêm 26, rạng sáng 27/8/2011, công trường xây dựng bị trộm đột nhập, nhưng bảo vệ đã phát hiện kịp thời.
Ngày 1/4/2012, hai công ty đã tiến hành kiểm kê tài sản. So sánh với hóa đơn nhập kho, nhà thầu phát hiện tại công trường thiếu hụt một số cốp pha, giàn giáo xây dựng. Tại biên bản làm việc ngày 9/5/2012, hai bên xác định thiệt hại là 186 triệu đồng và Công ty Hà Thành yêu cầu hãng bảo vệ phải bồi thường, nhưng Công ty Bảo Hưng không chấp nhận.
Không thỏa thuận được về bồi thường, Hà Thành đã đệ đơn khởi kiện Bảo Hưng ra tòa. Tòa cấp sơ thẩm cho rằng, không có căn cứ để buộc Công ty Bảo Hưng bồi thường, nên bác đơn khởi kiện. Không chấp nhận bản án sơ thẩm, Công ty Hà Thành đã kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty Hà Thành cho rằng, Hợp đồng bảo vệ (Điều 6) nêu rõ trách nhiệm của hãng bảo vệ là phải đảm bảo an toàn và bồi thường theo đúng giá trị thiệt hại mà hai bên đã xác nhận là đủ. Nguyên đơn không đồng tình với việc bản án sơ thẩm ghi nhận yêu cầu thưởng do bắt được quả tang kẻ trộm của bị đơn. Công ty Hà Thành cho rằng, yêu cầu này là không đúng, vì không bắt được người phạm tội trộm cắp tài sản và thực tế tài sản đã bị mất.
Liên quan đến yêu cầu thanh toán phí bảo vệ trong tháng 3, tháng 4/2012 của Công ty Bảo vệ Bảo Hưng, Công ty Hà Thành cho biết sẽ cấn trừ vào số tiền bối thường, nếu như Công ty Bảo Hưng chấp nhận bồi thường. Nếu Bảo Hưng không chấp nhận thanh toán thì đề nghị HĐXX tách yêu cầu này của bị đơn ra vụ kiện khác.
Ngoài ra, theo đại diện Công ty Hà Thành, theo hợp đồng ký kết thì vật tư vào công trường đều phải có xác nhận của hai doanh nghiệp là Bảo Hưng và Hà Thành và chưa có việc xuất hàng ra ngoài, nên việc mất mát tài sản đều là do vụ trộm ngày 26, 27/3.
Trong khi đó, Công ty Bảo Hưng không chấp nhận bồi thường vì cho rằng hai bên chưa có biên bản xác nhận về nguyên nhân thiệt hại. Ngoài ra, Hà Thành chưa thanh toán phí dịch vụ bảo vệ trong 2 tháng 3, 4/2012, tức là vi phạm nghĩa vụ, do đó, Bảo Hưng không có trách nhiệm bồi thường. Sau khi xảy ra vụ trộm, Công ty Bảo Hưng đã có đơn trình báo Công an Thị trấn Chúc Sơn, Công an huyện Chương Mỹ nhưng đến nay cơ quan công an vẫn chưa có kết luận, do đó, không làm rõ được nguyên nhân mất mát và đối tượng trộm cắp tài sản.
Công ty Bảo Hưng nêu mâu thuẫn, vật tư vào công trình phải do hai bên ký xác nhận, đến nay chưa từng xuất kho, nhưng trong biên bản kiểm đếm thể hiện một số vật tư thừa. “Đúng là có nhiều tài sản thiếu, nhưng lại có tài sản thừa, điều này chỉ có thể giải thích là công tác kiểm đếm không chính xác, hoặc xuất nhập hàng hóa không chính xác. Suy ra hàng thiếu cũng không chính xác”, đại diện Công ty Bảo Hưng phản đối. Theo giải thích Công ty Hà Thành, vật tư thừa là vật tư cũ, mang vào công trình nên không ghi nhận xuất nhập.
Sau khi xem xét hồ sơ tài liệu và căn cứ vào kết quả thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, theo hợp đồng thuê bảo vệ ký kết giữa hai bên, Công ty Bảo Hưng có trách nhiệm giữ gìn mặt bằng bảo đảm an ninh trật tự người và tài sản trong suốt thời gian Công ty Hà Thanh thi công trụ sở Công an huyện Chương Mỹ. Công ty Bảo Hưng phải bồi thường thiệt hại mà hai bên đã xác nhận là đủ, trường hợp đặc biệt mới do cơ quan chức năng kết luận. Hai bên đã có biên bản thống kê tài sản mất mát là 186 triệu đồng, Công ty Bảo Hưng đã có ý kiến trong biên bản giữa hai bên là chịu trách nhiệm đến cùng trước Công ty Hà Thành và pháp luật về mất mát. Như vậy, đủ căn cứ xác định có việc mất cắp dẫn đến mất mát tài sản. HĐXX cấp phúc thẩm xác định bị đơn có lỗi dẫn đến thiệt hại tài sản cho nguyên đơn, quyết định sửa án sơ thẩm, buộc Công ty Bảo Hưng phải bồi thường cho Công ty Hà Thành.