Xung quanh câu chuyện hạ tầng
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có một hệ thống đô thị gồm 813 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Các đô thị đã tích lũy được kinh nghiệm trong quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể cho đến cách thức quản lý đô thị.
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Nước ta có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá năng động nhất toàn cầu.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, mọi hoạt động diễn ra tại đô thị sẽ định hình thế giới.
Diễn đàn kinh tế thế giới ASSEAN 2018 đã nhấn mạnh, công nghệ cao và nền kinh tế số là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN, với dự báo tăng gấp 4 lần lên mức 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, phát triển đô thị thông minh là một xu hướng rất cần quan tâm”.
Còn theo ông Trần Quốc Thái, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Việt Nam có hơn 20/63 tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng đề án, kế hoạch tổng thể phát triển đô thị thông minh.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, đó là tại nhiều địa phương, bộ, ngành mới chỉ chú trọng áp dụng các phần mềm ứng dụng, chứ chưa quan tâm đúng mức tới việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu.
“Chẳng hạn, chúng ta chuẩn bị và ứng dụng công nghệ báo cháy trực tiếp, nhưng lại không tính đến hạ tầng giao thông, khả năng tiếp cận của xe chữa cháy”, ông Thái lấy ví dụ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA, Tổng giám đốc Công ty eDT, chúng ta nói nhiều về đô thị thông minh, nhưng riêng thuật ngữ đô thị thông mình là gì cũng chưa có một chuẩn nào.
Tiêu chuẩn đóng góp cho việc hỗ trợ giải pháp, cung cấp thực tiễn cho việc triển khai, tương thích, sử dụng những công nghệ và bắt tay được với nhau. Tích hợp được hệ thống có thể giao tiếp được với nhau từ phần mềm đến phần cứng.
“Đề cập đến Internet vạn vật (IoT), nhưng nếu không có vật chất cơ bản đạt chuẩn để tích hợp vào đó các phần mềm và trí tuệ nhân tạo, thì IoT không phát huy hiệu quả”, ông Hải nhấn mạnh.
Hiện với việc các địa phương đều có kế hoạch phát triển các đô thị thông minh, bài toán hạ tầng với mỗi tỉnh, thành phố cũng sẽ có nhiều điểm khác. Một đô thị nằm sâu trong nội địa, ở đồng bằng sẽ có những yêu cầu khác biệt so với một đô thị ở vùng cao hay ven biển. Do đó, không thể có một mẫu cứng nhắc về hạ tầng cho tất cả các đô thị.
Theo ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc VNG, phụ trách Cloud Services, với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, giao thông thông minh là vấn đề hàng đầu, nhưng với những thành phố ven biển, thành phố du lịch, thì giao thông không phải là vấn đề đầu tiên, mà là du lịch thông minh, sử dụng tài nguyên ra sao? Tức phải hiểu nhu cầu của các đối tượng để xây dựng nên giải pháp, mô hình về thành phố.
Quy hoạch hạ tầng, bài toán đang cần lời giải
Hạ tầng giao thông đang là bài toán khó.
Ông Sapan Kumar Jayanti, Giám đốc Giải pháp cấp cao Khối Giải pháp thành phố thông minh và hành chính công, Hewlett Packard Enterprise khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá rất cao về vai trò của việc phát triển hạ tầng cho các đô thị thông minh.
“Những thành phố tương lai hiện được định hình bằng giải pháp chuyển đổi số. Các thành phố phải sẵn sàng để được ứng dụng các công nghệ tiên tiến và trở thành thành phố thông minh. Các cư dân phải được tiếp cận nguồn dữ liệu để di chuyển các thông tin. Ứng dụng công nghệ phải bắt đầu từ người dân, từng người một”, ông Sapan Kumar Jayanti nói.
Tuy nhiên, với các đô thị của Việt Nam hiện nay, một trong những khó khăn chính là việc chia sẻ, tiếp cận các dữ liệu. Nói cách khác, Big Data (dữ liệu lớn) chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi.
Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh ASOCIO - Hà Nội 2018, chính ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã phải chia sẻ rằng:
“Có một nghịch lý rất rõ ràng mà chúng ta đã đề cập, đã nói đến nhiều, đó là để có thành phố thông minh, thì phải có quy hoạch tốt. Muốn có quy hoạch tốt, thì phải có dữ liệu. Muốn có dữ liệu tốt phải có thành phố thông minh.
Câu chuyện lại quay về với quy hoạch ban đầu và là một vòng kim cô trói buộc. Đây là một thách thức rất lớn cho các nhà phát triển đô thị. Đặc biệt, với những đô thị như Hà Nội, khi thành phố này được thiết kế từ thời Pháp, cho một quy mô dân số nhỏ hơn nhiều lần”.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, các khu đô thị mới đang mọc lên hàng ngày, quy mô có thể lên đến vài chục, vài trăm ha, vậy tại sao chúng ta không quy hoạch luôn về hạ tầng thông tin, hay cập nhật cho nó thành thông minh, cấy luôn các mã gien thông minh cho nó.
Về vấn đề này, theo ông Thái, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm phát triển đô thị, nhưng với đô thị thông minh thì lại là câu chuyện khác, mới lạ. Với dự án mới thì sẽ ứng dụng ngay các công nghệ, giải pháp để nó trở nên thông minh.
Còn việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ thì rất khó. Việc thí điểm để có một số khu đô thị thông minh làm hình mẫu là mong muốn và hy vọng sẽ làm được. Hy vọng, đến hết năm 2025 sẽ có nền tảng để các địa phương có thể nhân rộng.
Ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Tin học xây dựng Việt Nam nêu quan điểm: “Chúng ta nói đến hạ tầng thông minh, các vấn đề về quy hoạch đô thị thông minh. Theo tôi, chúng ta cần có hạ tầng thông tin, kết hợp giữa các dữ liệu, nền công nghệ thông tin khi ta quy hoạch.
Đưa hạ tầng thông tin coi như một tiêu chí của đề án quy hoạch. Bên cạnh việc thiết lập tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng. Hiện nay, trong danh sách hạ tầng buộc phải có cho khu đô thị thì có hạ tầng viễn thông. Tôi đề xuất thêm hoặc mở rộng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng thông tin”.
Cho đến nay, câu chuyện về hạ tầng của các đô thị hiện hữu vẫn còn là một bài toán khó, chưa có một lời giải hoàn hảo. Với các đô thị tương lai, đây lại là một yêu cầu khó khăn hơn nhiều.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để có được đô thị thông minh, nhất định đô thị đó trước hết phải có quy hoạch hạ tầng tốt, đặc biệt là hạ tầng về công nghệ thông tin, và hạ tầng này cần được xây dựng trên bộ bộ tiêu chuẩn chung, có khả năng ráp nối, kết nối các hạng mục, thiết bị với nhau một cách thông suốt.