Hạ tầng kỹ thuật, “hồn cốt” của đô thị thông minh

Hạ tầng kỹ thuật, “hồn cốt” của đô thị thông minh

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, để hướng đến một đô thị thông minh, không thể thiếu hạ tầng kỹ thuật. Đây được ví như “hồn cốt” của một đô thị thông minh.

Hạ tầng kỹ thuật là nền tảng của đô thị

Chia sẻ với phóng Báo Đầu tư Bất động sản, TS.KS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, hạ tầng thông minh là hạ tầng được tạo thành và quản lý bằng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

Nói cách khác, có thể hiểu hạ tầng thông minh là sự liên kết công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội và thương mại để tận dụng tối đa mọi nguồn lực, phục vụ tốt nhất cho người dân đô thị.

“Như vậy, muốn có đô thị thông minh phải có hạ tầng thông minh và phải sử dụng công nghệ điện toán đám mây để tạo ra các cấu trúc vật chất và dịch vụ của hạ tầng cơ bản liên kết với nhau một cách hiệu quả, tối ưu hóa hoạt động trong tất cả các lĩnh vực”, ông Cương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cương, hạ tầng đô thị có hai thành phần cơ bản là phần cứng và phần mềm. Hiện TP.HCM đã bước đầu sử dụng ICT tác động đến hệ thống hạ tầng, như quản lý giao thông đô thị, quản lý logistic…

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện Nghiên cứu kiến trúc và đô thị cho rằng, để triển khai xây dựng và vận hành đô thị thông minh, không thể thiếu một yếu tố hạ tầng cơ bản là hạ tầng thông tin. Đó là sự kết hợp hạ tầng kỹ thuật về mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nhà ở, môi trường, thủ tục hành chính…, cùng các phần mềm công cụ khai thác cơ sở dữ liệu đó phục vụ quản lý điều hành, hỗ trợ ra quyết định, giao tiếp của công dân, tổ chức với chính quyền.

Theo cấu trúc, đô thị thông minh có thể chia thành các tầng, gồm cảm biến (sensor layer), tầng mạng (network), tầng nền tảng (application layer).

“Trên góc độ công nghệ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đô thị thông minh là một ‘phiên bản nâng cấp’ của đô thị kỹ thuật số (digtal city). Đô thị thông minh là sự tích hợp của đô thị kỹ thuật và các công nghệ. Các công nghệ này thúc đẩy sự giao tiếp giữa các thiết bị, giữa người và thiết bị, thậm chí giữa người với toàn xã hội được thể hiện thông qua quản lý đô thị ngay càng thông minh hơn”, TS. Hạnh nói.

Nhưng không thể thiếu hạ tầng xã hội

Không thể phủ nhận, một đô thị thông minh không thể thiếu hạ tầng ICT, nhưng theo các chuyên gia, để hạ tầng ICT hoạt động hiệu quả, cần phải có một hạ tầng xã hội tương thích, bao gồm thể chế chính trị, bộ máy vận hành và công dân.

GS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Ủy viên Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM cho rằng, hạ tầng xã hội còn có một yêu cầu khác nữa cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, đó là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia thông thạo chuyên môn, có đạo đức công vụ cao, trung thành với lợi ích của nhân dân.

“Hãy hình dung đơn giản, một người tham gia hệ thống y tế thông minh, trước nhất phải có tài chính để sắm các thiết bị kỹ thuật như camera có độ phân giải cao, con chíp gắn vào cơ thể, các cảm ứng nhiệt, màn hình, đường truyền. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, họ phải biết công nghệ thông tin, thành thạo sử dụng các thiết bị kỹ thuật dưới sự hướng dẫn từ xa của các bác sĩ”, GS. Hòa nói và cho biết, chính vì thế, để xây dựng quốc gia thông minh, Chính phủ Singapore đã cấp cho người cao tuổi của đảo quốc này mỗi người 600 đô la Singapore để học cách sử dụng công nghệ thông tin. Chính phủ nước này còn đảm bảo rằng, tất cả công dân từ 12 tuổi trở lên đều có thể tham gia “Quốc gia thông minh”.

 Ảnh Shutterstock

“Một hệ thống thông minh có thể bị phá sản một khi công dân bất hợp tác, hay một nhóm người vô ý thức. Chẳng hạn, những cảm ứng nhiệt, cảm ứng hóa học, cảm ứng âm thanh, hay camera gắn ở trục đường giao thông có giá tiền không rẻ, chỉ cần một vài người lấy cắp bán đồng nát là gây ra hậu quả nghiêm trọng ngay”, GS. Hòa nhấn mạnh.

Còn nhiều việc phải làm

Phát triển đô thị thông minh, thậm chí là quốc gia thông minh đang là xu hướng trong thời đại 4.0 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hiện nay, nhiều địa phương của Việt Nam, nhất là TP.HCM và Hà Nội đã công bố về kế hoạch xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, để xây dựng các thành phố ở Việt Nam thành đô thị thông minh không phải là chuyện dễ dàng.

Ths. Võ Thanh Tùng, Hội Tin học xây dựng Việt Nam chỉ ra rằng, trên thực tế, hạ tầng đô thị của Việt Nam đang phát triển thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng đô thị và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đô thị theo hướng thông minh, như các công trình viễn thông, các mạng cáp thông tin, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông…, nên gặp nhiều khó khăn khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao vào trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung.

Ông Tùng cho rằng, trong công tác thiết kế quy hoạch đô thị chưa chú trọng vấn đề thiết kế vào tạo lập hạ tầng thông tin ngay từ khi thiết kế quy hoạch đô thị. Công tác thiết kế quy hoạch đô thị mới chú trọng đến các vấn đề truyền thống như điện, nước, giao thông…, còn các yếu tố cần tạo lập hạ tầng thông tin, thì chỉ khi đô thị được triển khai mới đầu tư xây dựng, thậm chí đưa vào vận hành thì các vấn đề tạo lập, xây dựng thông tin dữ liệu phục vụ quản lý điều hành mới được đề cập đến.

Vì vậy, nhiều đô thị tại Việt Nam hiện nay, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM tình trạng đào đường để xử lý các hệ thống dây cáp thông tin, viễn thông, hoặc dây điện thoại, đường nước…, xảy ra liên tục, gây tốn kém, mất cảnh quan đô thị và ách tắc giao thông cục bộ.

Theo các chuyên gia, trong ngành y đã có kỹ thuật nội soi, tại sao ngành cấp thoát nước không có kỹ thuật để thăm dò xem chỗ nào bị rò rỉ, gây thất thoát nước sạch? Nếu xây dựng được hệ thống “nội soi” này, nhân viên quản lý hệ thống thoát nước có thể ngồi ở trung tâm theo dõi các cống thoát nước lúc trời mưa, biết ngay chỗ nào tắc để xử lý, thì sẽ thuận tiện cho việc chống ngập trong thành phố.

Tại hội thảo về chuyên đề cốt nền, chống ngập nước và quy hoạch không gian ngầm do Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ở TP.HCM gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy.

Tình trạng hiện nay, các ngành quản lý hạ tầng chỉ lo thu thập và lưu giữ thông tin riêng trong hệ thống thông tin của ngành mình. Thông tin dữ liệu về công trình ngầm thiếu cập nhật, nhiều trường hợp thi công công trình đào trúng mới biết, việc này không chỉ ở TP.HCM, mà tồn tại nhiều đa số các thành phố khác của Việt Nam.

“Nếu có quá trình tạo lập và sử dụng từ cấp chiến lược quốc gia đến địa phương và cấp kỹ thuật chuyên sâu, thì ICT có thể biến hệ thống hạ tầng sỏi đá cũng trở thành hạ tầng thông minh, góp phần tạo nên thành phố thông minh”, TS. Võ Kim Cương nhấn mạnh.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan