Kết nối giữa TP.HCM với các địa phương lân cận ngày càng dễ dàng nhờ nhiều tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng

Kết nối giữa TP.HCM với các địa phương lân cận ngày càng dễ dàng nhờ nhiều tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng

Hạ tầng kết nối liên vùng “đốt nóng” thị trường bất động sản

(ĐTCK) Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối TP.HCM với các địa phương lân cận đã, đang và sẽ được đẩy mạnh triển khai đã trở thành “đòn bẩy” kích thích thị trường bất động sản phát triển.

“Sợi chỉ đỏ” giao thông

Trong những năm gần đây, chính sách phát triển hạ tầng liên vùng phía Nam không ngừng được đẩy mạnh với hàng loạt công trình trọng điểm kết nối đã, đang và sẽ được mở ra. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng được đưa vào sử dụng, đã mở ra một câu chuyện mới về phát triển kinh tế liên vùng cho nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó tác động trực tiếp nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạnh liên vùng khác cũng đang chuẩn bị đưa vào khai thác hoặc đầu tư.

Cụ thể, cuối tuần qua, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải về tiến độ triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, nhằm giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng để đưa tuyến đường này vào khai thác sử dụng trong năm 2020.

Theo các chuyên gia, cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các tỉnh từ Long An, TP.HCM, Đồng Nai. Sau khi đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực giao thông cho các tỉnh miền Tây đi miền Đông và ngược lại, kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Gò Dầu, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, trở thành đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế liên vùng.

Nhiều nhà đầu tư săn lùng mua đất tại khu vực gần Sân bay Long Thành.  Ảnh: Việt Dũng

Tương tự, một công trình giao thông trọng điểm liên vùng khác đang được các địa phương khẩn trương đầu tư là tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tại buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII với TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất các phương án xây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Theo kiến nghị của Bà Rịa - Vũng Tàu, cần phải nhanh chóng triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để giải quyết bài toán giao thông. Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 3 phương án đầu tư: Phương án 1, nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến cảng Cái Mép - Thị Vải; phương án 2, nối đến Quốc lộ 55 (TP. Bà Rịa); phương án 3, nối thẳng đến Vũng Tàu.

Hình thức đầu tư là đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Đa số ý kiến đồng thuận với phương án làm cao tốc đến Quốc lộ 55 để giải quyết tình trạng kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng trên Quốc lộ 51. Qua đó, tạo động lực tăng trưởng cho các khu công nghiệp ở Đất Đỏ, Châu Đức và phát triển du lịch ở Long Hải - Phước Hải - Xuyên Mộc.

Một dự án giao thông đáng chú ý nữa là dự án cao tốc TP.HCM - Phan Thiết. Mới đây, Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, tiến độ chung của dự án là đến tháng 5/2019 sẽ cắm cọc và bàn giao mốc mới cho địa phương để giải phóng mặt bằng, tháng 9/2019 tổ chức tuyển chọn nhà thầu, tháng 7/2020 khởi công dự án. Một khi tuyền đường này được đầu tư xây dựng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết có thể ngắn từ hơn 3 giờ như hiện nay xuống còn chưa đến 2 giờ.

Ngoài những dự án kể trên, còn có hàng loạt dự án khác như Sân bay Quốc tế Long Thành, Sân bay Phan Thiết, Sân bay Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cũng đang khẩn trương lên kế hoạch để xây dựng, trở thành “sợi chỉ đỏ” tạo động lực phát triển cho cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

“Đốt nóng” bất động sản vùng phụ cận

Sự phát triển mạnh của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng không chỉ tạo sự phát triển chung cho các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, mà còn trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản các địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ đầu tư nằm 2019 đến nay, các thị trường bất động sản Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành tâm điểm của thị trường phía Nam.

Tại Phan Thiết (Bình Thuận), sau khi có thông tin năm 2020 sẽ chính thức khởi công cao tốc TP.HCM - Phan Thiết và sẽ xây dựng Sân bay Phan Thiết, thị trường bất động sản nơi đây đã nóng lên từng ngày. Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung thời gian qua đã chứng kiến cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các đầu nậu gom đất phân lô, đến các đại gia địa ốc về đây săn quỹ đất xây dựng án.

Theo khảo sát sơ bộ, chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm 2018, Bình Thuận đón 8 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Đáng chú ý là Novaland với Dự án Nova Hills, Apec Group với Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né Resort, VNGroup với Dự án Goldsand Hill Villa, Tập đoàn FLC với Dự án FLC Mũi Né & Beach Resort. Trong đó, riêng Dự án Nova World Phan Thiết của Novaland vừa được công bố ra thị trường cách đây hơn 1 tháng, nhưng đã có gần 3.000 sản phẩm được khách hàng đăng ký mua.

Tính đến thời điểm hiện tại, những quỹ đất đắc địa của Bình Thuận, không chỉ ở Mũi Né, mà nhiều khu vực có vị trí giáp ranh với biển ít được nhắc đến trước đây như Mũi Kê Gà, La Gi, Thắng Hải…, đều đã được các ông lớn địa ốc như Hưng Thịnh, TMS, Novaland, Apec Group, VNGroup, TTC, Việt Úc, Hưng Lộc Phát, Danh Khôi, DRH Holdings… “xí phần” để làm các siêu dự án.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khảo sát sơ bộ cho thấy, thời gian gần đây có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không ngừng nhòm ngó thị trường này, trong đó có nhiều dự án đầu tư mới với nguồn vốn lên đến hàng tỷ USD liên tục công bố. Hầu hết các dự án tung ra thị trường thời gian qua đều có kết quả bán hàng khá tốt.

Sự quan tâm lớn của giới đầu tư đã khiến mặt bằng giá chung của thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục leo thang. Theo khảo sát của các đơn vị môi giới, tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá đất tại Bà Rịa - Vùng Tàu đã có mức tăng trung bình từ 15 - 20%.

Một điểm nóng nữa của thị trường “ăn theo” hạ tầng là thị trường Long Thành (Đồng Nai). Thông tin dự kiến sân bay Long Thành sẽ khởi công trong năm 2020 như “mồi lửa” đốt nóng hơn thị trường bất động sản của khu vực này. Mỗi ngày có hàng trăm nhà đầu tư tìm đến Long Thành để săn đất, khiến giá đất tại khu vực này nhảy múa từng ngày.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time, xét ở nhiều góc độ, Đồng Nai đang có nhiều lợi thế để phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, là địa phương liền kề TP.HCM, là cửa ngõ của cả khu vực miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai có lợi thế đặc biệt về liên kết vùng. Trong đó, những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa sẽ là tâm điểm của thị trường sắp tới.

“Khi Sân bay Long Thành được khởi động, thị trường bất động sản Đồng Nai sẽ còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là khu vực quanh sân bay sẽ có sự phát triển đột phá, bởi nhu cầu nhà ở, nhu cầu kinh doanh thương mại sẽ theo đó tăng lên”, ông Tiến nhận định, đồng thời cho rằng, lúc đó, mặt bằng giá bất động sản Long Thành sẽ phải so sánh với mặt bằng bất động sản ở TP. Biên Hòa hiện hữu, chứ không còn như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, vấn đề của câu chuyện đầu tư bất động sản Long Thành hiện nay là làm sao để tìm được các dự án có quy hoạch bài bản, rõ ràng về pháp lý để đầu tư, còn với các dự án thiếu pháp lý, chưa rõ ràng về quy hoạch, rủi ro trong đầu tư rất lớn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan