Ông Phùng Đắc Lộc.

Ông Phùng Đắc Lộc.

“Hạ phí bảo hiểm không khác gì lấy đá tự đập chân mình”

(ĐTCK-online) Bảo hiểm xe cơ giới bước vào mùa tái tục (ký lại hợp đồng) cũng là lúc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đưa ra nhiều mức phí cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng. Từ nhiều năm nay, cạnh tranh mức phí bảo hiểm luôn là vấn đề khiến không ít DNBH đau đầu. Những DN nhỏ mới ra đời thường đưa ra mức phí rất thấp nhằm tìm kiếm khách hàng và thị phần. Điều đó gây nên không ít nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường. ĐTCK đã phỏng vấn ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm xung quanh vấn đề này.

Hạ phí bảo hiểm có vẻ lợi cho khách hàng, vì sao không được khuyến khích thưa ông?

Tôi xin khẳng định đó chỉ là cái lợi trước mắt. Kinh doanh bảo hiểm là quy trình hạch toán ngược, DNBH thu phí (bán hàng) trước và sau đó đưa đến cho khách hàng quyền lợi được bồi thường khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra. Do đó nếu DN đưa ra mức phí thấp, không tính đúng, tính đủ hay không tương xứng với rủi ro tổn thất được chấp nhận bảo hiểm, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài chính, nguy cơ thua lỗ, phá sản, vỡ quỹ bảo hiểm rất cao. Bảo hiểm là hoạt động nhạy cảm, sự phá sản của một DNBH kéo theo hàng triệu khách hàng, cả hệ thống bảo hiểm, tài chính tín dụng ảnh hưởng theo. Về phía khách hàng, có hậu quả trực tiếp là DNBH chậm trễ, dây dưa trong việc giải quyết bồi thường hoặc cố tình tìm mọi lý do để cắt giảm tiền bồi thường. Nếu khách hàng không chấp nhận thì thường dẫn đến khiếu kiện dai dẳng, thậm chí phải đưa ra tòa án. Nếu tính lãi suất cho những ngày chậm nhận tiền bồi thường hoặc không được bồi thường thì sẽ thấy rõ việc thiệt hại do chọn phí bảo hiểm siêu rẻ như thế nào

Thực tế, những năm qua rất ít DNBH phi nhân thọ có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và thường được bù đắp từ hoạt động đầu tư tài chính. Điều này có nguyên nhân từ việc hạ phí. Có thể nói, DN hạ phí bảo hiểm không khác gì lấy đá tự đập chân mình.

 

Như ông phân tích, hạ phí bảo hiểm tiềm ẩn những rủi ro cho bản thân DNBH và cả thị trường. Vậy vì sao việc hạ phí lại có đất sống?

Thứ nhất, kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh lời hứa, lời cam kết, là một thỏa thuận dân sự. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm bị chi phối bởi Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Lời cam kết này thể hiện tại Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm do DNBH ban hành và đăng ký với Bộ Tài chính. Tin tưởng vào các quy tắc trên, không ít khách hàng chỉ quan tâm đến mức phí DN bảo hiểm đưa ra mà chưa để ý đến chất lượng dịch vụ. Bằng việc hạ phí bảo hiểm, một DNBH nhỏ hay một chi nhánh mới ra đời đã lôi kéo không biết bao nhiêu khách hàng của DNBH khác, không làm tăng trưởng thị trường, không kích thích nhu cầu bảo hiểm của khách hàng mới.

Thứ hai là với cơ chế khoán doanh thu của DNBH cho chi nhánh và công ty thành viên, các đơn vị này cần doanh thu bằng mọi giá, kể cả hạ phí bảo hiểm rất thấp để giành giật khách hàng, giành giật hợp đồng bảo hiểm.

Thứ ba là cơ chế hạch toán. Các DNBH thường phân cấp cho chi nhánh giải quyết bồi thường cho những vụ tai nạn có giá trị dưới 10 triệu đồng, lớn hơn phải gửi về trụ sở chính giải quyết. Vì vậy, không khoán hiệu quả cho chi nhánh. Về phía chi nhánh, cứ lấy doanh thu trừ đi số tiền giải quyết bồi thường, thấy chênh lệch lớn là mừng. Về phía DNBH, lấy doanh thu trừ đi số tiền đã giải quyết bồi thường, nếu có chênh lệch dương cao hoặc tỷ lệ bồi thường thấp ảo tưởng là có lãi nên tiếp tục hạ phí để cạnh tranh. Chỉ có phòng kế toán là nơi phải hạch toán đúng quy định của Bộ Tài chính: phí bảo hiểm phải trừ đi 10% hoa hồng đại lý, 2% chi phí đề phòng hạn chế tổn thất và phải trừ đi các khoản trích lập dự phòng, sau đấy, phần còn lại mới là quỹ bồi thường trong năm (dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng bồi thường dao động lớn, dự phòng bồi thường).

Thứ tư là nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm chỉ quan tâm đến phí thấp. Khi được hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm mới phát hiện được cái hay, cái dở thì lúc đó đã quá muộn.

 

Làm thế nào để hạn chế tình trạng hạ phí bảo hiểm, thưa ông?

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần xây dựng điều khoản biểu phí tiêu chuẩn để các DNBH cùng áp dụng. Chúng ta biết rằng, phí bảo hiểm được xác định trên cơ sở xác suất xảy ra tổn thất. Phí bảo hiểm = xác suất tổn thất hoặc tỷ lệ bồi thường bình quân + chi phí quản lý DNBH. Rõ ràng, để giảm phí bảo hiểm không thể cắt giảm chi phí bồi thường mà chỉ có thể cắt giảm chi phí quản lý. Với cách hiểu này, phí bảo hiểm chỉ có thể giảm 10 - 15% nhờ giảm chi phí quản lý là hợp lý. Nếu giảm hơn nữa là DNBH có vấn đề, trước sau cũng xảy ra tình trạng phí bảo hiểm không đủ để bồi thường. Vì vậy, các DNBH cần tuyên chiến với hạ phí bảo hiểm quá thấp để giành giật khách hàng.

Thay vì hạ phí, DNBH cần cạnh tranh bằng cách đưa ra các dịch vụ cung cấp tốt hơn, như có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, trợ giúp khách hàng giải quyết hồ sơ với công an và giải quyết những sự cố xảy ra, kéo xe về nơi sửa chữa miễn phí, sửa chữa nhanh để mau đưa xe vào hoạt động, bồi thường kịp thời đầy đủ cho khách hàng...