Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án trồng cây xanh (thành rừng) tại khu vực hành lang cách ly các khu xử lý rác, tạo hành lang xanh. Trong đó, xác định diện tích đất dành cho xây dựng vườn ươm, tạo nguồn cây giống và nguồn cây dự trữ cho Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, lập phương án thiết kế tổng thể, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ với quy hoạch cảnh quan kiến trúc, không gian xanh tạo điểm nhấn và nét đặc trưng riêng cho 9 cửa ô của thành phố, trên các trục đường: Võ Nguyên Giáp, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Đại lộ Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, quốc lộ 1A (đoạn cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì - nút giao Pháp Vân), các quốc lộ: 1, 5, 6, 32...
Việc cải tạo, chỉnh trang nhằm góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, tiết kiệm chi phí duy trì, giữ ẩm, tạo cảnh quan đẹp, hiện đại cho Thành phố.
Trước đó, với yêu cầu của Thành phố về trồng thêm 600.000 cây xanh đến năm 2020, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo thành phố dự kiến trong năm 2019 trồng mới hơn 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ. Trong đó, cấp thành phố dự kiến trồng 240.000 cây; cấp huyện trồng 166.800 cây.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh trên các tuyến phố cũ nhằm tăng mật độ xanh trong khu vực nội đô.
Cụ thể, Sở sẽ rà soát, thiết kế cải tạo tổng thể hệ thống cây xanh trục trọng tâm từ Nhà hát Lớn đến dọc các tuyến đường, phố: Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Độc Lập và Thanh Niên. Trong khu vực phố cổ, phố kiến trúc Pháp sẽ có giải pháp trang trí mặt tiền của các tầng trên, kết hợp với bổ sung hoa và cây xanh mặt đứng, bồn cây sát tường công trình... Các khu đô thị mới sẽ được tiếp tục trồng và phát triển hệ thống cây xanh nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị.