Gầm cầu đang bị "xẻ thịt" vô tội vạ

Gầm cầu đang bị "xẻ thịt" vô tội vạ

Hà Nội: "Xẻ thịt" vỉa hè và cả... gầm cầu

Khi những m2 vỉa hè, lòng đường dần trở nên hạn hẹn trong cuộc tranh giành nghẹt thở, những gã "khổng lồ" trong hành trình "băm nát" vỉa hè, lòng đường, bắt đầu tính kế mở rộng lãnh địa bằng việc khai hoang cả… gầm cầu.

"Khu công nghiệp" dưới gầm cầu

 

Cầu Thanh Trì - cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng của Hà Nội được biết đến như một điểm mốc quan trọng góp phần cơ bản giải quyết ách tắc giao thông tại Hà Nội. Thế nhưng, thông xe chưa được bao lâu, phần gầm của cầu vượt dẫn lên cây cầu mang dấu ấn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang có nguy cơ biến thành một "khu dịch vụ" hỗn độn trăm thứ nghề. Chỉ tính riêng một đoạn gầm cầu phía đầu bán đảo Linh Đàm có chiều dài gần 2 km (đoạn từ ngã ba rẽ bán đảo Linh Đàm đến đường Giải Phóng) các cơ sở kinh doanh, sản xuất đua nhau mọc lên như nấm.

 

Gầm cầu đang bị "xẻ thịt" vô tội vạ

 

Theo ghi nhận của PV Nguoiduatin.vn, ngoài các điểm trông giữ xe đang vây rào, buộc dây thép phân định địa bàn, các gara ô tô, điểm rửa xe cũng mặc sức quây lô, cắm biển. Không chỉ vậy các loại hình dịch vụ như cửa hàng tạp hóa, quán ăn, giải khát, thậm chí cả dịch vụ cầm đồ... cũng có mặt.

 

Việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở này không chỉ tạo nên tình trạng lộn xộn, gây ô nhiễm môi trường, mà việc tự ý treo biển hiệu, quảng cáo ở đây cũng vô tội vạ, gây mất mỹ quan đô thị.

 

Để chứng minh quyền làm chủ, nhiều hộ còn tự ý quây tôn, dựng nhà thép, tạo nên một khu biệt lập cho riêng mình, khiến không ít người khi qua đây cũng phải giật mình vì tưởng khu vực này đã được cấp... "sổ đỏ" cho các doanh nghiệp.

 

Nhiều người dân nơi đây khi được hỏi đều tỏ thái độ bức xúc cho biết: Đoạn gầm cầu này trước đây được TP. Hà Nội tạm giao cho một đơn vị tận dụng khai thác làm điểm trông giữ xe vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng không hiểu sao, cho đến thời điểm hiện tại, khu vực này lại được công khai rao bán, cho thuê từng m2 với mức giá không hề rẻ.  Theo phản ánh của người dân, toàn bộ phần gầm cầu có chiều dài gần 2 km này đều đã có chủ đứng tên hẳn hoi.

 

Rời Linh Đàm, chúng tôi vòng ra đường Giải Phóng đoạn cầu vượt Ngã Tư Vọng, mặc dù phần diện tích gầm cầu vượt này chỉ vẻn vẹn vài trăm m2, nhưng cũng đã thành điểm trông giữ xe với hàng rào thép bao bọc xung quanh. Chạy thêm một vòng tới các điểm cầu vượt Ngã Tư Sở, cầu vượt Chương Dương, cũng có chung cảnh tượng tràn ngập những hàng xe được các đơn vị trông giữ xe tận thu đến từng cm.

 

Đáng nói, tại mỗi điểm trông giữ xe ở đây đều mở hai cổng cho xe ra vào. Vì thế, vào thời điểm giờ tan tầm, với lượng xe lưu thông qua lại lớn, cộng với điểm đèn giao thông, nguy cơ tắc đường cục bộ tại đây càng trở nên phức tạp.

 

Công khai rao "bán"... gầm cầu

 

Để tìm hiểu thông tin người dân phản ánh về cuộc "đổ bộ" lấn chiếm gầm cầu ở bán đảo Linh Đàm, chúng tôi quyết định quay lại nơi đây. Sau một ngày hết lân la bên các quán nước rồi tính kế đánh xe đi rửa, cuối cùng "nguyên lý" lợi nhuận về đất gầm cầu cũng đã lộ diện. Được biết, ở thời điểm này, muốn "bao" một m2 đất gầm cầu giá gốc là điều không thể. Bởi thực tế, toàn bộ diện tích gầm cầu vượt Thanh Trì đã được căng dây, kẻ vạch bán cho nhiều chủ khác nhau. Nếu có nhu cầu phải mua lại với mức vênh nhiều giá.

 

Hà Nội: "Xẻ thịt" vỉa hè và cả... gầm cầu ảnh 1

Vỉa hè, lòng đường đang bị tận thu đến những cm cuối cùng

 

Biết chúng tôi đang "thèm" đất để làm điểm rửa xe, một đầu nậu (xin được dấu tên - PV) bật mí: "Mỗi doanh nghiệp ở đây đang phải thuê với mức giá từ 12.000- 15.000 đồng/m2/tháng. Nhưng đó là mức giá ký trên giấy, còn bên ngoài, tùy mối quen thân mà mỗi ông phải chi thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/m2/tháng.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi, ông chủ đích thực của khu đất là ai, thì vị này lắc đầu quầy quậy từ chối vì lý do "tối mật"?! nhưng lại mập mờ: "Đó là một đơn vị có pháp nhân đàng hoàng và thời hạn thuê đất chỉ có 5 năm, sau đó, tùy thuộc vào nhu cầu của ông chủ và người thuê, thậm chí là quy hoạch và chủ trương của TP. Hà Nội, các bên sẽ tiếp tục ngồi lại bàn thảo".

 

Cũng bởi vì quý cái sự cởi mở của chúng tôi, sau một chầu nhậu túy lúy, vị này hào sảng tuyên bố, sẽ nhượng lại một trong mấy mảnh mà mình đang có. Theo lời giới thiệu của vị "lái" đất mới gặp, chúng tôi được ông giới thiệu đang có 3 miếng có diện tích: 300m2; 800m2 và 2.000m2 với mức giá trung bình 23.000 - 25.000 đồng/m2/tháng, kèm theo là lời khẳng định chắc nịch: "Các chú không ôm ngay, sang tuần gặp lại chẳng còn đâu. Nếu có cũng không còn mức giá đó nữa".

 

Nhận thấy thị trường bất động sản gầm cầu vượt Thanh Trì đang nóng lên từng ngày, thử vào Google tìm nội dung: "Bán, thuê mặt bằng gầm cầu vượt Thanh Trì", kết quả cho không dưới 100 địa chỉ đang rao bán, cho thuê lô đất gầm cầu để làm bãi gửi xe, nhà xưởng, ga ra ô tô,... với mức giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/m2. Thử bốc máy bấm vài số điện thoại đặt giá, hầu hết đều có chung câu trả lời: "Tiếc quá, không hỏi sớm, đã cho thuê từ khi mới rao hàng".

 

Giật mình, chúng tôi thử nhẩm một phép tính đơn giản, với tổng diện tích vào khoảng gần 100.000 m2 ở gầm cầu vượt Thanh Trì, ông chủ của nó cũng nhẹ nhàng đút túi hàng tỷ đồng mỗi tháng. Vậy ai đang chiễm chệ "ăn" ngon khoản thu hàng chục tỷ bất chính mỗi năm từ khu vực này, bản báo xin được đề cập cụ thể hơn vào dịp sau.

 

Coi thường pháp luật

 

Theo Nghị định 34/2010, của Chính phủ, sẽ phạt tiền từ 2-  3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: "Buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ,...". Thế nhưng, theo phản ánh của người dân tại khu vực cầu vượt Tranh Trì, kể từ khi gầm cầu bị xâm chiếm, rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý. Nếu có đến thì cũng chỉ kiểm tra qua loa rồi đi ngay. Vì thế, mới có chuyện, mặc dù đã tồn tại từ lâu, gây bức xúc cho người dân địa phương và người tham gia giao thông, nhưng các cơ sở này vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp các quy định pháp luật.

 

Không những thế, trong Thông tư mới nhất của Bộ GTVT (Thông tư 39/2011 - Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ) cũng chỉ rõ: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường....". Nhưng xem ra, các quy định này cũng bị phớt lờ ngay trong lòng Thủ đô - nơi chỉ cách Bộ GTVT chừng vài cây số.

 

Trao đổi về những bất cập đang xảy ra trên địa bàn mình, ông Giang Chí Trung, phó phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: "Những điểm, bãi trông giữ xe trên vỉa hè sẽ do quận cấp phép và quản lý. Riêng các điểm, bãi trông giữ xe tại các dự án khu đô thị do các chủ đầu tư quản lý và thu giá phí theo quy định. Đối với gầm cầu Thanh Trì và khu vực xung quanh cầu thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hà Nội. Để quản lý hiệu quả trong lĩnh vực này, quận Hoàng Mai đã thành lập đoàn thanh kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các lực lượng như công an, thuế, thanh tra giao thông đang tích cực kiểm tra và xử lý các vi phạm tại các điểm, bãi trông giữ xe như về sử dụng quá diện tích được cấp, thu phí vượt quá quy định, không đảm bảo về phòng chống cháy nổ, không niêm yết giá theo quy định..."

 

Trả lời PV, ông Lê Quang Vinh, đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông vận tải quận Hoàng Mai cho biết: "Các điểm, bãi trông giữ xe dưới gầm cầu muốn triển khai hoạt động phải được UBND thành phố Hà Nội giao và Sở Giao thông Vận tải chấp thuận về chủ trương và cấp phép. Mặc dù các điểm, bãi đỗ xe dưới gầm cầu dẫn cầu Thanh Trì mới đi vào hoạt động được vài ba tháng nay nhưng để thắt chặt quản lý trong lĩnh vực này, lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên tăng cường thanh kiểm tra để xử lý các vi phạm".