Thành phố đã xây dựng 5 nhóm chính sách trình HĐND thông qua để thực hiện, bao gồm:
Hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Hỗ trợ doanh nghiệp khi trả kết quả đăng ký thành lập trên địa bàn (20.000 đồng/doanh nghiệp); Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sau khi đã thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi.
Ngoài ra, Thành phố bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP như: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản...) tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch; Người bảo vệ địa điểm cách ly;…
Đưa ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quý II và các tháng cuối năm, lãnh đạo thành phố cho biết, căn cứ các kịch bản tăng trưởng của Chính phủ, Thành phố đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách của Thành phố.
Thành phố đã tiến hành rà soát lại tất cả các động lực, các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Sau khi rà soát, tính toán các cân đối lớn, Thành phố đã xác định thúc đẩy đầu tư phát triển là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
Do vậy, mặc dù dự báo năm 2020 ngân sách sẽ không đạt như dự toán Chính phủ giao, nhưng Hà Nội vẫn sẽ tập trung nguồn lực để bố trí đủ kinh phí cho đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đã giao đầu năm, phấn đấu không phải cắt giảm chi cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ bù đắp phần thiếu hụt ngân sách bằng cách tiết kiệm chi thường xuyên trên 5% (ngoài tiết kiệm chi 10% từ đầu năm), sử dụng nguồn ngân sách kết dư, quỹ dự trự tài chính.
Đồng thời, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; các dự án khởi công, các dự án hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc.
Để duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất như đối với thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 09/3/2020 của Chính phủ.
Liên quan các giải pháp tháo gỡ khó khăn các dự án ODA, Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hoàn thiện thủ tục ký Hiệp định vay bổ sung của Chính phủ Pháp để có thể giải ngân được cho Gói thầu số 9 Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2020.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành sớm báo cáo, hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và thúc đẩy việc giải ngân của Dự án trong năm 2020.
Về thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cho phép địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian đầu triển khai do một số điều kiện đặc thù, bất khả kháng như chưa kịp đấu thầu do nguyên nhân khách quan, đơn giá, định mức chưa có…
Lãnh đạo TP cũng kiến nghiện Chính phủ cho phép rà soát, lựa chọn một số công trình trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông trọng điểm để lựa chọn nhà đầu tưu theo điều 26 - Luật Đấu thầu.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể hơn quy định đối với các công trình xây dựng nhằm vừa đảm bảo tiến độ thi công, vừa đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tuy sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Thành phố, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I/2020 vẫn duy trì tăng ở mức 3,72%; Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 5,2%; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; Đầu tư trong nước đạt 7,14 nghìn tỷ đồng; có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất, kinh doanh đã bộc lộ nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36% so với cùng kỳ; số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người (tăng 2,2% so với cùng kỳ). Trong quý I/2020, thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 13.676 tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán, trong đó: chi thường xuyên 9.307 tỷ đồng, đạt 19,2% dự toán (cùng kỳ 18,4%); chi đầu tư phát triển 4.417,1 tỷ đồng, đạt 9,8% dự toán (cùng kỳ đạt 7,2%). Các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đẩy nhanh tiến độ. Trong quý I, có đã có 25 công trình hoàn thành. Trong nhóm 84 dự án mới sử dụng ngân sách cấp Thành phố, đến nay, đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30 dự án, còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các quý tiếp theo. |