Vào khoảng năm 1986 - 1987, khi đang là học sinh lớp 8, tôi lần đầu tiên được xem “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”. Hồi ấy, thực ra còn quá non nớt, tôi chỉ nhớ, hai bộ phim được chiếu đúng vào thời điểm trên Báo Nhân dân đang đăng loạt bài của tác giả N.V.L về “Những việc cần làm ngay”. Sau này mới biết là của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, còn lúc ấy, chỉ được giải thích “N.V.L” chính là “Nói và Làm”, rất… chính trị, nhưng vô cùng hợp lý.
Lại thêm cả hồi ấy, còn có bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” được đăng trên báo, gây dư luận rất kinh, mà nếu không “search” Google, thì cho đến bây giờ, tôi chỉ nhớ được mấy câu thế này: “Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/ Có ai thấu chăng/ Và ai phải sửa?/
Mỗi Xuân về con càng thêm nhớ Bác …”.
Đó là chuyện vào những “đêm nhập nhoạng” của thời Đổi mới. Người cấp tiến thì gật gù, kẻ thủ cựu thì bức bối, khó chịu. Thế nên, phim của Đạo diễn Trần Văn Thủy bị cấm chiếu suốt một thời gian khá dài.
Nhưng đó là chuyện của trước năm 1986. Chứ còn sau đó, khi đã có NV.L, có Mùa Xuân nhớ Bác, thì không khí Đổi mới đã hừng hực lắm rồi. Đâu đâu người ta cũng nói về chuyện nói thẳng, nói thật. Đến nỗi, lũ trẻ chúng tôi, nào đã biết gì, vậy mà cũng truyền tay nhau những tờ báo đã mềm oặt, xỉn màu vì quá cũ để đọc bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải, hồi ấy còn là một sinh viên khoa Văn, nhưng đã “cả gan” viết “Mùa Xuân nhớ Bác” và lại còn đề tặng đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống” và đồng chí Hồ Thiện Ngôn, tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”. Và cũng say sưa đọc những bài viết của tác giả N.V.L.
Chẳng là, chúng tôi là học sinh chuyên văn, nên cô giáo bảo, phải sớm biết những chuyện “thế sự” như vậy. Chỉ biết bằng trái tim và khối óc của một đứa trẻ mới 14 tuổi. Thế nhưng vẫn chép những dòng thơ gây chấn động cả nước ấy vào cuốn sổ tay bé tý ty, giấy đen và xù xì, chứ không trắng đẹp như bây giờ. Chép rất cẩn thận, tỉ mỉ, dù chỉ mơ hồ và lơ ngơ hiểu, vì sao người ta lại viết “Đồng chí không bằng đồng tiền/Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp”. Âu cũng là một không khí rất khác trong văn học - nghệ thuật.
Hai bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng thế. Người xem nườm nượp. Chắc cũng một phần vì mọi người tò mò, muốn đi xem bộ phim bị cấm chiếu, có số phận rất long đong. Nghe nói, phải cậy nhờ đủ mối quan hệ, cô giáo của chúng tôi mới mua vé xem phim được cho cả lớp. May lớp tôi vắng người, chỉ có 10 học sinh cả thảy.
Tháp Bút vẫn đang viết lên trời xanh biết bao chuyện thế sự Hà Nội
Tôi không biết Hà Nội vào những năm tháng “nhập nhoạng” ấy, bởi tới tận 4 năm sau, tức là năm 1990, mới được lên Hà Nội để trở thành một sinh viên. Nhưng Hà Nội khi ấy của tôi, chỉ vỏn vẹn quanh cổng Trường Đại học Sư phạm I, với cái Chợ Xanh lúc nào cũng tấp nập bán - mua, với những ngày đói - no đực, cái, nhưng vẫn mải miết trên giảng đường.
Bữa cơm, dù đã qua thời phải ăn độn bo bo, nhưng gạo thì trời ơi hôi và cơm thì bông xốp đến kỳ lạ. Thế nên, chỉ vừa ăn một bụng đẫy, chẳng bao lâu đã cồn cào vì đói. Chắc cũng tại đang tuổi ăn, tuổi ngủ, nhưng phần nhiều vì suất cơm 350 đồng chỉ lõng bõng canh, rau và vài miếng thịt mỡ thái mỏng như tờ giấy.
Vậy mà rồi “sống sót” qua đận ấy, ra trường, đi làm và sống tốt ở Hà Nội tới tận hôm nay. Tôi đã vô tư sống và tận hưởng thành quả lao động của mình, của công cuộc Đổi mới, mà chả mấy khi nhìn lại, để thấy Hà Nội đã khác xưa nhiều lắm. Cũng thấy khác, giống Đạo diễn Trần Văn Thủy khi vào năm 1982, làm “Hà Nội trong mắt ai”, không còn thấy Hà Nội vẹn nguyên những đền đài, thành quách cũ.
30 năm sau, Hà Nội không còn giống “đêm trước thời Đổi mới”, càng khác một Hà Nội ngàn năm văn vật, với tích xưa chuyện cũ đã được “Hà Nội trong mắt ai” nói đến. Nào mộ bà Đoàn Thị Điểm, nào tháp Bút của Nguyễn Siêu, rồi chuyện bức tượng ở Chùa Bộc (Hà Nội) có chữ Tâm ở trên, hay chuyện Nguyễn Huệ - Quang Trung, chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức quan sách nhiễu dân lành…
Nói chuyện xưa mà ẩn dụ chuyện nay, chuyện nhân tình thế thái, chuyện an dân, trị quốc... Giờ nhìn lại thì ai cũng biết, thời ấy, mà có lẽ bây giờ cũng vậy, biết bao chuyện để xót xa, buồn lòng.
Hà Nội bây giờ sừng sững một Keangnam, một Lotte, rồi Vincom, The Manor… cao vút lên trời xanh, lấp lánh trong nắng vàng. Những con đường trên cao cong cong trong ráng chiều. Phố sá sầm uất, đông vui. Xe cộ, cả xe hạng sang, lẫn xe hạng xoàng, chật cứng những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội. Hàng xa xỉ bày bán trong cửa hàng, cửa hiệu nhiều đến nỗi, chỉ có thể thốt lên: thế mới biết, người Hà Nội mình giàu thật.
Khó có thể đong đếm Hà Nội xưa và nay khác nhau thế nào. Nói một trời một vực thì cũng hẳn. Nếu so về độ hiện đại, sầm uất. Nhưng nói vẫn vẫn nguyên giá trị cũ cũng chẳng sai. Dù phố cổ, nhà cổ Hà Nội không thể tường xưa, vách cũ, ngay từ thời “Hà Nội trong mắt ai” đã thế. Nhưng vẫn trường tồn những giá trị của nghìn năm văn vật.
Có hai, không, đúng hơn là ba Hà Nội trong một Hà Nội bây giờ.
Một Hà Nội với giá trị tinh thần của dân tộc tồn tại vĩnh cửu. Chẳng phải 30 năm trước, Đạo diễn Trần Văn Thủy khi làm “Hà Nội trong mắt ai” đã bảo, thôi thì đừng làm cái đẹp về cảnh quan khi nó không còn nữa, mà hãy tìm những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào, hay sao.
Một Hà Nội được đô thị hóa và đổi mới đến tận cùng gốc rễ. Giàu có hơn, hiện đại hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chỉ lướt xe một vòng quanh thành phố này, sẽ dễ thấy một Hà Nội của thế kỷ 21 sao mà đẹp đến nao lòng.
Một Hà Nội vừa được hình thành hơn 5 năm, sau khi được mở rộng địa giới hành chính. Hà Nội ấy thuộc diện những Thủ đô to nhất nhì thế giới, ít nhất là về diện tích. Và khi gộp cả Hà Tây, lẫn một phần Hòa Bình, quy mô dân số, quy mô “nền kinh tế” đương nhiên tiến xa hơn trước một bậc.
Dù mỗi người có một cách nhìn riêng và cũng yêu Hà Nội theo một cách riêng, người yêu Hà Nội 36 phố phường, kẻ thích một Hà Nội sầm uất kẻ chợ với những KFC, Coffee Bean, hay Dior, Longines…, và cũng có người yêu một Hà Nội có sơn nữ, có nhiều lắm những nông dân… Nhưng vẫn tự hào thay, Thủ đô yêu dấu.
Nhưng Hà Nội rộng mà cũng chật hẹp vô cùng. Ấy là người ta nói đến sự chật chội của lòng người.
Người ta bảo, người Hà Nội dường như chẳng còn sống với nhau chân tình và ấm áp như trước. Những bon chen, những mệt mỏi của guồng quay cơm áo khiến người ta cứ thế vô tình đi lướt qua nhau.
Thậm chí, chẳng còn là vô tình, mà là tàn nhẫn, ác độc. Nếu đọc trên báo cả một năm qua, sẽ giật mình thảng thốt, con đánh mẹ, giết cha chỉ vì một miếng đất hương hỏa; hàng xóm láng giềng chơi xấu nhau có khi chỉ vì một bãi rác trước cửa chưa kịp quét.
Những chuyện bê bối của ngành y tế, từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, rồi tráo thủy tinh thể ở Viện Mắt, hay nhân bản xét nghiệm máu… chẳng phải cũng toàn ở Hà Nội mà ra đó sao.
Chợt thấy bàng hoàng, đau xót và phẫn uất vì nhân tình thế thái. Vì người Hà Nội, cũng là một con người, sao lại “quay lưng với đồng loại và chỉ biết chăm chút cho bộ da của mình”…
Nhưng tự dưng lại nhớ hôm nào, khi đám tang Cụ Giáp diễn ra, cũng là người Hà Nội đấy thôi, dẹp hàng quán, nghỉ bán hàng để phát nước, phát bánh mỳ cho đoàn người dằng dặc nỗi đau đang xếp hàng vào viếng Bác. Cũng người Hà Nội đấy thôi, không lấy tiền xe, tiền taxi của những ông cụ, bà lão từ phương xa tới Hà Nội tiễn đưa Người… Nghe kể mà thấy lòng rưng rưng.
Lại có hôm rảnh việc, lang thang nơi phố cổ, mệt mỏi dừng chân ở quán cà phê ven đường. Quán ngồi vỉa hè, nhưng khách đông vô cùng, cả Tây, cả Việt, cả già rồi lẫn trẻ. Đông thế, nhưng vẫn biết nhường nhau dù chỉ một góc đủ để kê một cái ghế nhựa nhỏ xíu. Đông thế, cậu thanh niên nọ vẫn biết ý dập điếu thuốc trên tay, khi người ngồi kế bên khẽ cau mày vì làn khói. Đông thế, chật chội thế, mà thấy vẫn ấm áp kỳ lạ.
Hà Nội là thế, mà thực ra thì ở đâu cũng vậy, chẳng cứ đất kinh kỳ. Vẫn có những góc khuất đến đau lòng, xót ruột. Nhưng vẫn có những trái tim hòa nhịp những trái tim. Tử tế hóa ra không hề là chuyện chỉ “có đi có lại”.
Tự dưng, lại nhớ ông N.V.L, Đạo diễn Trần Văn Thủy, bà Phạm Thị Xuân Khải…, những người hẳn là người tử tế vì họ đã dám nói thẳng, nói thật, nhất là khi Hà Nội và nước Việt lại đang bắt đầu một thời kỳ Đổi mới.