Hà Nội ưu tiên đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
Trong những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả giáo dục mũi nhọn luôn đạt thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia,
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự thích thú với môi trường học mới. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm bày tỏ sự thích thú với môi trường học mới. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).

Với vị trí là Thủ đô, trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Nhiệm vụ này đặt ra những thách thức, yêu cầu, trọng trách mới đối với ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.

Thực hiện hiệu quả Đề án Quy hoạch mạng lưới trường học, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp, vượt về tổng số trường so với quy hoạch được duyệt.

Đến nay, Hà Nội cơ bản đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường Mầm non công lập, một trường Tiểu học công lập, một trường Trung học Cơ sở công lập; 3 đến 5 vạn dân có một trường Trung học Phổ thông công lập; xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 là 509 trường công lập. Trong đó, 6.776 số phòng học và 651 phòng bộ môn được xây mới, 14.344 phòng học và 1.115 phòng bộ môn được cải tạo.

Trong những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả giáo dục mũi nhọn luôn đạt thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Từ 10 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, 138 giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (với 8 giải Nhất) trong năm học 2013-2014, đến năm học 2019-2020, học sinh Hà Nội đạt thành tích xuất sắc với tổng số 338 giải và huy chương quốc tế (trong đó 88 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 111 Huy chương Đồng và 34 giải Khuyến khích), tiếp tục dẫn đầu cả nước trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 144 giải (với 15 giải Nhất) và 4 đề tài tham dự thi quốc gia (VISEF) đạt thành tích cao (2 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba).

Đặc biệt, trong các kỳ thi quốc tế năm 2019, học sinh Hà Nội tham gia đoàn Việt Nam lần đầu tiên đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành Olympic Hóa học quốc tế (IChO), một học sinh đạt điểm cao nhất thế giới trong kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA).

Học sinh Hà Nội đại diện học sinh Việt Nam dự thi Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi đã đoạt giải Nhất toàn đoàn (15 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng). Những kết quả này khẳng định vị thế của giáo dục Thủ đô qua các kỳ thi trên trường quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, một trong những yêu cầu đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô trong thời gian tới là thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Đây là thách thức không nhỏ bởi quy mô hệ thống giáo dục của thành phố Hà Nội lớn, điều kiện kinh tế, xã hội có sự chênh lệch khá rõ giữa các địa phương.

“Một số dự án lớn đã được thực hiện, như: xây mới hơn 5.000 phòng học cho các trường ở 15 quận, huyện, thị xã; hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học của 14 xã miền núi…

Từ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường đã có sự khởi sắc, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp," ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

"Trong số 70 trường Trung học Phổ thông có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, bên cạnh những trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện một số trường ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất…

Tuy nhiên, thời gian tới, những chuyển biến này phải mạnh mẽ hơn,” ông Dũng nói thêm.

Đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tập trung đào tạo, xây dựng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, ngày càng đáp ứng với thời kỳ hội nhập và phát triển.

Các chế độ chính sách cho giáo dục luôn được ưu tiên, nguồn kinh phí dành cho đào tạo bồi dưỡng tăng, đặc biệt chú trọng đến chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại thời điểm trước 1/7/2020 khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, Hà Nội có 100% giáo viên ở các bậc học, cấp học đang đứng lớp đạt chuẩn đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao (Mầm non 80,93%, Tiểu học 95,20%, Trung học Cơ sở 82,77%, Trung học Phổ thông 36,05% giáo viên trên chuẩn).

Không chỉ đào tạo trong nước, kế hoạch cử giáo viên đi đào tạo tại nước ngoài cũng được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao nghiệp vụ, tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm hiện nay đăng cai tổ chức các kỳ thi quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập.

Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhân của huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế 2020.(Ảnh: hsgs.edu.vn).
Ngô Quý Đăng, học sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhân của huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế 2020.(Ảnh: hsgs.edu.vn).

Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng HOMC năm 2018 có 9 quốc gia tham dự, năm 2019 có 13 quốc gia tham gia.

Hà Nội đăng cai tổ chức thành công Kỳ thi quốc tế Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi IMSO năm 2019, thu hút 352 thí sinh dự thi và 215 chuyên gia, cán bộ, giáo viên, quan sát viên quốc tế thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài trong giáo dục, năm học 2013-2014, Hà Nội mới chỉ có 29 dự án đầu tư nước ngoài, đến nay, toàn thành phố đã có 77 dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập trường quốc tế, cơ sở bồi dưỡng ngắn hạn, góp phần thúc đẩy các yếu tố cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp các dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực, đồng thời đạt mục đích phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, đáp ứng những yêu cầu mới, chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu chú trọng kiến thức sang tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cùng với cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cùng với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội còn chú trọng đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tin bài liên quan