Hà Nội thúc đẩy du lịch nông nghiệp ở ngoại thành

0:00 / 0:00
0:00
Ngành công nghiệp không khói Hà Nội đang thúc đẩy du lịch nông nghiệp ở các huyện ngoại thành, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Sân nhà cổ trong Di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Sân nhà cổ trong Di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Đón đầu xu hướng

Thời gian qua, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội đã chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 11 trang trại hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái; 4 hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp với giáo dục trải nghiệm.

“Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP của Thành phố”.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Trong tổng số 1.350 làng có nghề ở Hà Nội, có 17 làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: gốm sứ Bát Tràng; dát vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ (Gia Lâm); điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, lược sừng Thụy Ứng (Thường Tín); gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (Đông Anh)…

Trước khi Covid-19 ập đến, Trang trại Đồng quê (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) thu hút rất đông du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. TS. Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại cho biết, đã đầu tư 8 tỷ đồng để xây dựng mô hình trang trại mang đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ. “Trên diện tích 2 ha, trang trại có nhiều hoạt động như: trải nghiệm nuôi ong lấy mật; hái và sao chè khô; nuôi đà điểu, dê, thỏ; trồng và hái các loại rau rừng; cấy lúa, úp nơm, bắt cá… Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đón khách tham quan, mỗi năm, chúng tôi đón hàng chục ngàn lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng”, bà Oanh chia sẻ.

Còn tại huyện Đan Phượng, địa phương đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới, du lịch cũng được xác định là định hướng mới, dựa trên những tài nguyên cơ bản của địa phương, trong đó chủ đạo là tài nguyên văn hóa, di tích giá trị lịch sử kiến trúc và phát triển thêm các điểm tham quan. “Với diện tích lớn dành cho canh tác nông nghiệp và trồng hoa, các loại hình trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là thế mạnh của huyện Đan Phượng”, ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho hay.

Tạo khí thế mới cho du lịch ngoại thành

Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn ở các huyện ngoại thành, thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch tại các quận, huyện, đồng thời, thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho 8.900 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, Sở đã triển khai Đề án Thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội.

Hiện nay, Sở Du lịch TP. Hà Nội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo kiều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển. Khi kế hoạch hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, du lịch nông nghiệp kỳ vọng mang đến khí thế mới cho du lịch vùng ngoại thành nói riêng và du lịch Thủ đô nói chung.

Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cho du lịch cũng là một trong những mục tiêu Hà Nội hướng tới trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 và những năm tiếp theo.

Việc các sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng để chuẩn hóa và phát triển, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa khu vực nông thôn Hà Nội. Sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Tin bài liên quan