Các doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, góp ý tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Hà Nội

Các doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, góp ý tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Hà Nội

Hà Nội tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh

0:00 / 0:00
0:00
Sáng ngày 6/11/2021, Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho hay, doanh nghiệp này hiện có 22.000 lao động, hoạt động đa lĩnh vực, từ tài chính, ngân hàng, đến bất động sản, xuất nhập khẩu… Trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, nhưng qua đó cũng thấy được sự đồng hành của Trung ương và Hà Nội.

“Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, TP. Hà Nội đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chúng tôi cũng có dự án với đối tác FDI. Sau hội nghị đó, đã nhận được văn bản của Thành phố chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Đây là tháo gỡ thực chất, đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng”, bà Nga bày tỏ.

Dẫu vậy, việc giải quyết các thủ tục hành chính, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, vẫn đang là rào cản đối với phần lớn các đơn vị. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hanel Mirolin Phạm Quang Anh cho biết, đơn vị đang gặp vướng mắc trong triển khai Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng (huyện Phú Xuyên).

Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.

“Doanh nghiệp đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý nên dự án vẫn chưa được giao đất. Ngay cả thủ tục cấp phép xây dựng cũng chưa rõ là thẩm quyền thuộc về Sở Xây dựng hay UBND huyện”, ông Quang Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ, ông Chu Đức Lượng cho rằng, hiện có khoảng 10 luật có xung đột pháp lý, khi áp dụng trong thực tiễn thì chưa hiệu quả. Ví dụ như nhóm luật Đầu tư - Đất đai - Nhà ở… Đây là vấn đề cần tháo gỡ ở cấp vĩ mô. Đối với Thành phố, ông Lượng đề nghị cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong cải cách hành chính.

“Đề nghị Hà Nội số hóa cải cách thủ tục hành chính. Định lượng thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp”, ông Lượng đề xuất.

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng, Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mặt bằng cho doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng thủ tục cấp đất còn rất chậm.

Cũng theo ông Phú, đơn vị đang mua lại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quốc Oai, nhưng lại gặp nhiều vướng mắc về luật để có thể xây dựng, mở rộng phạm vi đầu tư. Đây là vấn đề mà Thành phố cần quan tâm, hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Đại diện Tập đoàn Sunhouse cũng khuyến nghị giải pháp về thủ tục hành chính. Theo đó, Thành phố cần nghiên cứu, tiến tới số hóa hệ thống giải quyết thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể thuận tiện theo dõi.

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Khương cho rằng, điều các doanh nghiệp mong muốn là những cải cách, chuyển biến trong giải quyết thủ tục thực chất hơn; làm sao để doanh nghiệp nhận được văn bản trả lời trong thời gian sớm nhất. Các sở, ngành cũng cần có mối liên thông trong làm việc, tránh kéo dài thời gian giải quyết thủ tục đến vài tuần, bởi thiếu thủ tục thì doanh nghiệp không làm gì được.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết, để chuẩn bị Hội nghị, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp lấy ý kiến khảo sát của hơn 28.000 doanh nghiệp các quy mô, các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào 11 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc như tiếp cận vốn, thực hiện các thủ tục hành chính, đất đai - mặt bằng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá thành nguyên liệu, đảm bảo chế độ, bảo hộ người lao động trong chống dịch, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch, tiếp cận chính sách hỗ trợ, thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch, chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới…

Bám sát tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, Thành phố đã có kế hoạch cùng cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc với tinh thần phục hồi, phát triển kinh tế "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" Covid-19, bằng những tương tác, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp…

Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.

Tương tự, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, Thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức Thành phố.

Tin bài liên quan