Hà Nội thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Hà Nội thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổ công tác sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 4097 thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác. Hai Tổ phó là hai Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải và Nguyễn Mạnh Quyền, trong đó ông Hải là Tổ phó thường trực.

Các thành viên Tổ công tác bao gồm: Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ngành của Thành phố: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Văn phòng UBND TP Hà Nội; Quyền Giám đốc Sở Công thương; Đại diện lãnh đạo Công an Thành phố.

Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác và theo đề nghị của thành viên Tổ công tác, Tổ trưởng Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo UBND Thành phố và lãnh đạo một số cơ quan đơn vị và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là cơ quan thường trực Tổ công tác, có trách nhiệm tham mưu, đôn đốc, tổng hợp báo cáo chung của Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của thủ đô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của thủ đô

Ngoài ra, Tổ công tác còn có bộ phận giúp việc là Giám đốc các sở, ban, ngành, người đứng đầu các đơn vị liên quan.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết tháo gỡ.

Tổ công tác làm việc với Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành, địa phương.

Tham mưu cho UBND Thành phố các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư.

Chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; Tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc chuyên đề để kịp thời đánh giá và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

Các nội dung thuộc phạm vi rà soát khó khăn, vướng mắc của Tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư gồm: Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực. Hoạt động triển khai thực hiện các dự án: Đầu tư công (bao gồm dự án ODA); Đầu tư kinh doanh (bao gồm dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI); Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 vào chiều tối 3/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu kiến nghị, để đạt được tăng trưởng theo kế hoạch năm nay là 6,5% thì cần phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngay từ cấp cơ sở.

"Ở Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt. Ở địa phương cũng cần làm tương tự như vậy. Kiến nghị các địa phương thành lập các tổ công tác đặc biệt tập trung giải quyết các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc để ổn định sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng nói.

Tin bài liên quan