Ảnh minh hoạ.
Đề án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; đảm bảo nguồn cung thực phẩm ổn định, bảo vệ sức khỏe người dân và quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đề án còn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất tại Hà Nội, đồng thời kiểm soát toàn diện chất lượng các sản phẩm từ các tỉnh thành khác và hàng nhập khẩu tiêu thụ trên địa bàn.
Đề án cũng tập trung phát triển công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chuỗi sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể của đề án bao gồm việc đào tạo và bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cho 100% cán bộ quản lý, nhân viên và hội viên các tổ chức nông nghiệp. Đồng thời, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản phải được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và được thanh tra định kỳ ít nhất một lần mỗi năm.
Đặc biệt, đề án đặt ra chỉ tiêu tăng 15% diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cơ sở chăn nuôi đạt chứng nhận GAP mỗi năm. Bên cạnh đó, Hà Nội phấn đấu giảm 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và tăng 15% tỷ lệ cơ sở chế biến đạt chứng nhận HACCP, ISO 22.000 hoặc tương đương, đảm bảo 70% sản lượng thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn được sản xuất theo chuỗi khép kín, và giá trị xuất khẩu sản phẩm tăng trung bình 5% mỗi năm.
Trong quá trình thực hiện, Hà Nội sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như quy hoạch và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, phát triển cơ sở bảo quản và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, đồng thời đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Thành phố cũng xác định 9 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện đề án, bao gồm: thực thi cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường truyền thông, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, giám sát chất lượng sản phẩm, phát triển logistic nông sản, và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo và cập nhật các quy định pháp luật về chất lượng và an toàn thực phẩm. Sở cũng sẽ hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, đồng thời hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nâng cấp các cơ sở sản xuất, bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Các hiệp hội ngành hàng sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và chính sách mới, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại theo từng ngành hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.