Hà Nội tăng cường kiểm soát hàng giả và hàng nhái trên thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội liên tục phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm giả nhãn hiệu hàng hóa của các sản phẩm đã có thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy, nhất là giả mạo thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 24 đang kiểm tra số mật ong vừa tạm giữ tại một cơ sở trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 24 đang kiểm tra số mật ong vừa tạm giữ tại một cơ sở trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, cục đang chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…

Gần đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tục phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm giả nhãn hiệu hàng hóa của các sản phẩm đã có thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy, nhất là giả mạo thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Việc giả mạo thương hiệu Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động nghiêm túc.

Cụ thể, ngày 20/6, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại xã Thanh Thùy (Thanh Oai, Hà Nội) đã phát hiện gần 7.000 chiếc khóa và phụ kiện giả mạo nhãn hiệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kin Long Việt Nam.

Trước đó, ngày 1/6, Đội Quản lý thị trường số 1 khi kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại ngõ 785 đường Nguyễn Khoái (Hoàng Mai, Hà Nội) đã phát hiện 17.900 lít thuốc trừ cỏ do Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt như LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480… của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn và Công ty cổ phần Giải pháp công nghiệp Tiên Tiến.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ khu vực phía Bắc, chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, khẳng định sản phẩm thuốc trừ cỏ mang tên LYPHOXIM bị thu giữ tại kho hàng là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu thuốc Bảo vệ thực vật Sài Gòn.

Đáng chú ý, có những sản phẩm chứa thành phần Glyphosate đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa vào danh sách cấm lưu hành kể từ ngày 30/6/2021.

Theo bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào, hàng giả tràn lan nhưng pháp luật xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách thuê thám tử theo dõi cách thức vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thương hiệu Anh Đào; đầu tư công nghệ hiện đại để hạn chế bị làm giả.

Ngoài ra, để chống hàng giả, công ty áp dụng phương thức bán hàng theo từng tỉnh - thành với mã vạch riêng cho từng địa phương, nếu sản phẩm bán tại địa phương mà không khớp mã vạch sẽ bị thu hồi.

Đồng quan điểm này, bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương, cho biết một trong những giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp trong hoạt động chống hàng giả là tăng cường các điểm bán sản phẩm. Đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng và nhận diện hàng Việt, mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: TTXVN phát).
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra kho chứa hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: TTXVN phát).

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết hiện trên thị trường có nhiều loại hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu Việt Nam. Hầu hết được sản xuất tại nước ngoài, sau đó nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Điều này làm ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của Nhà nước khi triển khai chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện một số đối tượng thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ để thực hiện việc đưa sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế quan.

Để ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm.

Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm; trên các tuyến giao thông, nhà ga, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn.

Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị… trên địa bàn thành phố Hà Nội xây dựng quy chế, tổ chức ký cam kết không để loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường.

Tin bài liên quan