Thiếu vắng dự án mới
Theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Thành phố có 26 dự án bất động sản đủ điều kiện mở bán, với tổng số lượng hơn 17.400 sản phẩm cả chung cư và nhà thấp tầng. Trong đó, các dự án mang thương hiệu Vinhomes của Tập đoàn Vingroup chiếm số lượng căn hộ chung cư áp đảo, khoảng 11.000 căn chung cư.
Ngoài ra, trong số các dự án đủ điều kiện mở bán này, chỉ có 5 dự án mới xuất hiện từ đầu năm trở lại đây, bao gồm: Dự án xây dựng lại khu tập thể mới 30A Lý Thường Kiệt; Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp và nhà ở thấp tầng tại An Hưng; Dự án Bea Sky Nguyễn Xiển; Dự án T&T Định Công; Dự án
Ecohome 3 Bắc Từ Liêm.
Tương tự, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE, JLL, hay Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 6 dự án mới thuộc phân khúc căn hộ tham gia vào thị trường Hà Nội, còn lại chủ yếu là các dự án cũ mở bán các đợt tiếp theo, hoặc mở bán nốt những căn xấu còn sót lại.
Trong đó, riêng quý II/2019, theo JLL, thị trường Hà Nội chỉ có 5.900 căn mở bán, bằng một nửa so với quý trước, chủ yếu đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Đây là mức ghi nhận thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2014. Phần lớn các dự án mở bán mới có quy mô nhỏ (dưới 500 căn hộ).
Thị trường Hà Nội khan hiếm nguồn cung căn hộ mới trong nửa đầu năm 2019
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận xét, việc siết chặt tín dụng bất động sản cao cấp, cùng với quỹ đất eo hẹp trong khu vực trung tâm dẫn đến sự thiếu vắng nguồn cung căn hộ, đặc biệt là phân khúc cao cấp và hạng sang trong một vài năm tiếp theo.
Ngoài ra, cũng giống như TP.HCM, một trong những lý do khiến nguồn cung mới tại thị trường Hà Nội bị tắc là do chính quyền địa phương siết chặt thủ tục cấp phép dự án mới. Cùng với đó, hàng loạt dự án, chủ đầu tư bất động sản bị thanh, kiểm tra khiến nhiều dự án bị trì hoãn.
Nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt
Với tình trạng hiện nay, theo đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia, thời gian tới, thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung căn hộ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH PR và Phát triển đô thị Phú Quý, việc rà soát lại quỹ đất và thắt chặt cấp phép dự án mới ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ra hàng của các chủ đầu tư và sẽ tiếp tục diễn ra. Theo đó, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự khan hiếm ngắn hạn về nguồn cung.
"Mặc dù việc rà soát khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm, nhưng tôi cho rằng, việc này là thật sự cần thiết. Sau vài năm thị trường căn hộ tăng trưởng quá nóng, chất lượng dự án cũng như căn hộ bị ảnh hưởng, thì việc rà soát, ở một khía cạnh nào đó, là tích cực cho thị trường”, ông Hà nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc MIK Group cho biết, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ xảy ra mạnh ở phân khúc cao cấp, do để chuẩn bị cho một dự án cao cấp, hạng sang thường phải mất khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, nên không dễ để có ngay một dự án cao cấp hoàn chỉnh đưa ra thị trường chỉ trong một thời gian ngắn. Một khi nguồn cung thiếu hụt, trong khi nguồn cầu tăng mạnh, thì giá nhà ở nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên cao một cách cục bộ.
Quỹ đất để phát triển các dự án ở trung tâm TP. Hà Nội không còn nhiều. Ảnh: Shutterstock
Tương tự, bà Dương Thùy Dung cho biết, 6 tháng cuối năm là thời điểm thích hợp nhất cho người mua bất động sản để ở, bởi các sản phẩm được bán trên thị trường là “sản phẩm sạch” đã được rà soát chặt chẽ về pháp lý. Bên cạnh đó, giá căn hộ, đặc biệt là tại Hà Nội, đang ở mức hợp lý sau một thời gian tăng trưởng nóng.
Tại hội nghị gặp mặt hội viên toàn quốc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, những năm gần đây, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Việt Nam. Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội là sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bất động sản, sự góp công không nhỏ của các nhà đầu tư; phát triển bất động sản.
Theo ông Chung, Hà Nội được các nhà đầu tư lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi… Đặc biệt, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Vì thế, bất động sản vẫn là kênh bỏ vốn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì khả năng thanh khoản tốt.
Cũng theo ông Chung, thị trường bất động sản Hà Nội và đô thị Hà Nội trong những năm tới còn dư địa rất lớn. Hiện nay, đô thị hóa của Hà Nội mới đạt 53% và hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu Hà Nội có tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt trên 70%.
"TP. Hà Nội chính thức được Thủ tướng giao cho tham gia mạng lưới đô thị của ASEAN, vì vậy định hướng sắp tới, Hà Nội sẽ xây dựng đô thị thông minh. Do đó, những khu đô thị mới hình thành trong thời gian tới, Thành phố mong muốn các nhà đầu tư sẽ quan tâm xây dựng các khu đô thị thông minh, tòa nhà thông minh để phát triển cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân và khách hàng của mình", ông Chung cho biết.
Ông Chung cũng mong muốn, trong thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất về cơ chế, chính sách với Chính phủ, Thành phố để có những quyết sách thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư bất động sản.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com