Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất, định kỳ các dự án cải tạo chỉnh trang hè phố

0:00 / 0:00
0:00
Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng các dự án lát đá vỉa hè; tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ các dự án cải tạo chỉnh trang hè phố.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh trả lời các câu hỏi của báo chí.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh trả lời các câu hỏi của báo chí.

Tại sao cứ vào cuối năm lại chỉnh trang vỉa hè?

Chiều 16/12, tại buổi Họp báo Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022, do UBND TP. Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội và các quận huyện đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề lát đá vỉa hè như: đá 70 năm mà nhanh hỏng; chất lượng đá khai thác bằng nổ mìn ra sao; giá thành cụ thể; trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội và các quận huyện ra sao…

Trả lời câu hỏi "Tại sao không phải thời điểm nào khác, mà cứ vào cuối năm nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, Hà Nội lại xới tung vỉa hè để chỉnh trang? Một số tuyến phố lát đá bền 70 năm đã vỡ hỏng, nay phải thay mới, thì số tiền dùng để thay mới các đoạn hè vỉa hè hư hỏng này được trích từ đâu?”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố, các dự án chỉnh trang hè phố nói chung và lát đá vỉa hè nói riêng đã và đang thi công do UBND các quận, huyện, thị xã quyết định đầu tư.

UBND Thành phố đã phân cấp trách nhiệm cho UBND các quận, huyện, thị xã lập và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng, triển khai xây dựng và quản lý hè phố sau đầu tư (công tác sửa chữa, duy tu, duy trì) thông qua nhiều Quyết định.

Mặt khác, theo quy định pháp luật và chủ trương của Thành phố không quy định cụ thể việc thi công chỉnh trang hè phố là vào thời điểm nào của năm, mà việc triển khai thi công sẽ phụ thuộc vào Kế hoạch, tiến độ triển khai dự án do UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư phê duyệt trên cơ sở phải đảm bảo tuân thủ trình tự đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật (công tác chuẩn bị đầu tư, lập thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán; bố trí vốn, lựa chọn nhà thầu...).

UBND Thành phố đã có nhiều Văn bản chỉ đạo đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong công tác cải tạo, chỉnh trang hè phố.

Một số mẫu cá biệt đá lát có thớ đá phân tách tự nhiên

Trả lời câu hỏi "Vừa qua Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho rằng đá sử dụng lát hè bị om do nổ mìn nên chất lượng kém, dễ vỡ. Vậy tại sao biết đá chất lượng kém, mà Hà Nội vẫn dùng để lát đá vỉa hè và còn khẳng định độ bền 70 năm? Loại đá khai thác bằng cách nổ mìn như thế này và đá khai thác tự nhiên có giá thành chênh lệch với nhau như thế nào? Theo khoa học kỹ thuật thì đá có thể hỏng do nước mưa là đúng, câu chuyện là đã dùng đá kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn. Hà Nội đã xử lý khắc phục như thế nào đối với vấn đề này?", ông Minh cho hay, hiện trạng thực tế hiện nay cho thấy, một số tuyến phố được đầu tư lát hè bằng đá tự nhiên trong quá trình sử dụng xuất hiện nhiều vị trí nứt, vỡ, bong, tróc đá lát và được cơ quan báo chí phản ánh (gồm: phố Nguyễn Trãi, phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân; phố Trần Phú, quận Hà Đông; phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng) đều thuộc các dự án chỉnh trang các tuyến phố có lát hè bằng đá tự nhiên tại các quận trong giai đoạn năm 2016-2017.

Giai đoạn này đã được Thanh tra Thành phố chỉ ra các tồn tại, sai phạm tại Kết luận thanh tra số 673/KL-TTTP-P2 ngày 13/02/2018 về việc thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận thành phố Hà Nội.

Trong đó đã chỉ rõ tồn tại về chất lượng đá "Một số mẫu cá biệt đá lát có thớ đá phân tách tự nhiên thì độ bền uốn không đạt yêu cầu, các mẫu này mắt thường không phân biệt được thớ đá, chỉ khi đưa vào máy uốn thì mới phát hiện".

UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiến nghị của Thanh tra Thành phố để khắc phục các tồn tại, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác đầu tư xây dựng các dự án lát đá vỉa hè;

Để khắc phục và giảm thiểu các nội dung tồn tại trong công tác cải tạo, chỉnh trang hè phố trên địa bàn, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về việc ban hành “thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Văn bản số 1385/UBND-ĐT ngày 08/4/2019 của UBND Thành phố về việc chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận.

Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã quy trình lát hè bằng đá tự nhiên, bảo trì hè sau khi lát (theo văn bản số 2640/SXD-GĐXD ngày 04/4/2018) và tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc áp dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè trong công tác thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, các nhân tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn nhằm đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành;

Trên cơ sở Công bố giá vật liệu xây dựng của cơ quan có thẩm quyền và của các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố, hiện nay giá thành vật liệu đá tự nhiên sử dụng cho các dự án chỉnh trang hè phố không phân biệt cụ thể phương thức khai thác (nổ mìn, hay phức thức khác).

Trả lời câu hỏi thứ ba liên quan đến vỉa hè: "Việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng đá vỉa hè ở Hà Nội được Sở Xây dựng Hà Nội, Ban quản lý dự án các quận, huyện được thực hiện ra sao? Trách nhiệm của Sở Xây dựng Hà Nội, các quận, huyện khi để xảy ra tình trạng trên?", Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các Quyết định của UBND Thành phố và Văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý chính trong quá trình đầu tư và sau đầu tư thuộc về UBND cấp huyện.

UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hoặc giao các Ban Quản lý dự án đầu tư các quận, huyện làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng;

Phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện theo phân cấp; hè sau khi đầu tư cũng do UBND cấp huyện quản lý, khai thác sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng đá vỉa hè trên địa bàn, Sở Xây dựng đã triển khai thực hiện một số nội dung như: Tổ chức tập huấn và ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đố đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án lát đá vỉa hè nói riêng và dự án cải tạo chỉnh trang hè phố nói chung.

Cùng với đó, Sở Xây dựng sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng các dự án lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội và tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng tại các dự án lát đá vỉa hè nói riêng và dự án cải tạo chỉnh trang hè phố nói chung.

Cũng theo ông Minh, từ năm 2019 đến nay, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 52 tuyến phố lát hè sử dụng vật liệu lát bằng đá tự nhiên trên địa bàn, chủ yếu tập trung tại các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Qua đó kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn Chủ đầu tư và các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng trong việc triển khai dự án lát đá vỉa hè đảm bảo theo quy định của Pháp luật và thiết kế mẫu hè đường đã được UBND Thành phố ban hành.

Tin bài liên quan