Hà Nội sẽ công khai tên người trả giá cao nhưng bỏ cọc đất đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 20/9, UBND TP Hà Nội đã gửi văn bản tới các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Hà Nội sẽ công khai tên người trả giá cao nhưng bỏ cọc đất đấu giá

Theo đó, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, nhấn mạnh hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất với đối tượng là tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.

Việc này nhằm đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Hà Nội cũng yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Sau đó, danh sách này sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất. Công an cũng cần đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.

Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.

UBND TP. Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.

Chỉ đạo của Hà Nội diễn ra trong bối cảnh, gần đây, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường như ở Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Hà Đông. Hàng trăm người tham gia các phiên đấu giá, giá đất trúng lên tới hơn 133 triệu đồng/m2, cao gấp 18 lần khởi điểm. Sau khi trúng, nhiều nhà đầu tư bỏ cọc.

Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

Theo Bộ Xây dựng, có một số nguyên nhân chính đã tác động đến kết quả đấu giá đất vừa qua, cụ thể: Do mức giá khởi điểm thấp thu hút lượng lớn người tham gia; số tiền đặt cọc để tham gia đấu giá là khá thấp; trong các cuộc đấu giá có nhiều hội nhóm đầu tư chuyên tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời.

Bộ Xây dựng cho hay, mức giá trúng đấu giá sẽ làm mốc giá tham chiếu để xác định mặt bằng giá mới (thậm chí cao hơn nhiều) cho khu vực lân cận địa điểm đấu giá.

Điều này có lợi cho các dự án đã được giao đất và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng lại gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các trường hợp trúng đấu giá với mức giá cao còn gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản đã hoặc đang chào bán lân cận địa điểm đấu giá.

Thực tế, giá trúng đấu giá đất thường là giá cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham chiếu và xác định giá mua, bán, chuyển nhượng khi giao dịch bất động sản.

Ngoài ra, mặt bằng giá đất tăng quá cao sẽ khiến doanh nghiệp, chủ đầu tư không thể có phương án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả dẫn đến không thu hút được đầu tư xây dựng trên địa bàn và làm suy giảm, hạn chế nguồn cung trong tương lai.

Cuối cùng, kết quả trúng đấu giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này có thể dễ kích động người dân bị thu hồi đất đã nhận hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức cao hơn phương án đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.

Tin bài liên quan