Hà Nội: Sau 21/9, không chia vùng nhưng vẫn duy trì 23 chốt kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, sau ngày 21/9, thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch hiệu quả.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội họp với các đơn vị về công tác phòng, chống COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội họp với các đơn vị về công tác phòng, chống COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Tại buổi giao ban trực tuyến chiều 19/9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn cho biết sau ngày 21/9, thành phố sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm phòng, chống dịch.

"Theo định hướng chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, về cơ bản sau ngày 21/9 thành phố không chia thành các vùng như trước đây mà chia khu vực xuất hiện nguy cơ để phòng, chống dịch hiệu quả", ông nói.

Cụ thể, nơi nguy cơ rất cao có ca F0 sẽ trở thành “điểm đỏ” phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời thực hiện phong tỏa, cách ly y tế.

Phó Chủ tịch thành phố nhấn mạnh việc nới lỏng phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào thành phố kết nối với các địa phương bạn.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ cho phép các công trình xây dựng được hoạt động trở lại đồng thời đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch.

"Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Các khu vực có dịch đương nhiên không được xây dựng, hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng thi công," ông Dương Đức Tuấn nêu rõ.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR để kiểm soát người dân ra đường đồng thời chú trọng các phương án bảo đảm phòng, chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không di chuyển về thành phố; các điều kiện cần thiết để các công trình xây dựng hoạt động trở lại.

Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết từ 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có trên 71 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách lần thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày. Đến nay, 93% tổng số người dân từ 19 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1; gần 70% toàn dân số thành phố đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi.

Trong chiến dịch vừa qua, thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50% xuống còn 10%. Sau đó, thành phố tập trung xét nghiệm cho nguy cơ rất cao, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, còn các vùng khác xử lý linh hoạt.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép.".

Tính từ 18h ngày 18/9 đến 12h ngày 19/9, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19; trong đó có 17 ca ở khu cách ly, 2 ca khu vực phong tỏa.

Số ca mắc COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ 24/7) là 3.257 ca.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 3.922 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.597 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.325 ca.

Trong ngày 19/9, Hà Nội triển khai tiêm vaccine COVID-19 được 9.827 mũi tiêm. Cộng dồn tới 18h00 ngày 19/9, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của thành phố Hà Nội, tổng số mũi tiêm thực hiện được là 5.385.333.

Tin bài liên quan