Người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, đến ngày 24/4, TP. Hà Nội đã cơ bản rà soát xong một số nhóm đối tượng dự kiến được trợ giúp theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kết quả bước đầu cho thấy, toàn thành phố có 137.719 người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Với nhóm đối tượng này, dự kiến mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 1 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 75.000 người, dự kiến mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (lao động tự do) là 850.000 người, dự kiến mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là gần 78.000 người, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là gần 185.000 người, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo là hơn 155.000 nhân khẩu, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Như vậy, tổng số người dự kiến được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP là hơn 1,48 triệu người, số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 3.534 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trên cơ sở danh sách các địa phương rà soát bước đầu, đồng thời căn cứ vào hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của các cơ quan có thẩm quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục sàng lọc đối tượng.
Cũng theo ông Dân, khi thiết lập được danh sách chính thức, chính quyền cơ sở sẽ niêm yết công khai để mọi người dân trong cộng đồng dân cư đều có thể giám sát, bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đúng đối tượng, minh bạch, khách quan.