Hà Nội ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Chính phủ kết luận về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế Thủ đô.
Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Mới đây, văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế Thủ đô trong tình hình hiện nay.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của toàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm có nhiều kết quả khá tích cực, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 1,2%, các cân đối lớn được bảo đảm.

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi (GRDP 6 tháng tăng 5,97%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn khó khăn chung, tác động đến kinh tế của Thủ đô, đòi hỏi các sở, ban ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt hơn nữa để triển khai các giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã bám sát quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau theo Văn bản số 225/TB-VPCP:

Thứ nhất, quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội nhất là đảm bảo thu ngân sách.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, giải quyết các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy khả năng sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc “làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật”.

Thứ hai, thực hiện kịp thời và hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam về tiền tệ bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ ba, trọng tâm theo dõi sát diễn biến tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, không dễ bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành trong giải quyết, xử lý công việc.

Cuối cùng, cần chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; các văn bản chỉ đạo của Thành phố.

Đồng thời, thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc cơ quan mình phụ trách, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và đôn đốc, thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Định kỳ trước 18 hàng tháng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện lồng ghép với Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất, kiến nghị (nếu có) để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND thành phố Hà Nội.

Tin bài liên quan