Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh
Theo Sở Công Thương Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố Hà Nội đạt gần 13,1 tỷ USD, tăng 19,6% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó phải kể đến những mặt hàng có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm 2021 như: hàng dệt, may đạt 2.040 triệu USD, tăng 30,5%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1.775 triệu USD, tăng 26,4%; giày dép các loại và sản phẩm từ da đạt 423 triệu USD tăng 62,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1.516 triệu USD, tăng 3,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.129 triệu USD, tăng 2,6%; xăng dầu đạt 1.064 triệu USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 672 triệu USD, tăng 26,5%; hàng nông sản đạt 622 triệu USD, tăng 15,4%; hàng hóa khác đạt 3.293 triệu USD, tăng 14,3%.
“Ngôi sao sáng” trong bức tranh xuất khẩu 9 tháng qua của Hà Nội chính là tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, có tỷ trọng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp FDI.
Các doanh nghiệp đã chủ động, tận dụng sự phục hồi của những nền kinh tế lớn, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, các nước EU, Trung Quốc...
Để xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh việc tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống như: EU, Mỹ, Nhật Bản… doanh nghiệp đã tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc đang tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù cả 2 khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao so với cùng kỳ năm 2021, nhưng tỷ trọng hàng xuất khẩu của khối FDI đã không còn chiếm ưu thế như trước đây.
Minh chứng là, 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 6 tỷ USD kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.
Nỗ lực chuyển hóa lợi ích từ các FTA
Năm 2022 ngành công thương Hà Nội vẫn đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%. Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong thời gian qua UBND Thành phố Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cũng theo bà Phương Lan, thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 271/KH-UBND về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố năm 2022...
Đặc biệt, thời gian tới, Sở Công Thương cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác xúc tiến xuất khẩu để doanh nghiệp có thể nắm bắt, chuyển hóa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP và EVFTA.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới.
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người mắc đang giảm mạnh, Hà Nội đang khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI.
Thành phố tạo mọi điều kiện và thường xuyên lắng nghe, trao đổi, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh, hàng hóa sản xuất đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022, Thành phố Hà Nội luôn coi đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài… nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trên địa bàn.
Đặc biệt, những tháng cuối năm, thành phố tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp Hà Nội tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tìm kiếm thị trường và bạn hàng; hỗ trợ thông tin có tính chất dự báo về thị trường, khách hàng, giá cả, cung cầu giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với những biến động trên thị trường; tổ chức các lớp tập huấn về chính sách mới về tín dụng, thủ tục hải quan...