Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Liên kết, hợp tác xây dựng tuyến du lịch Hà Nội – Ninh Bình – Tây Nguyên
TP. Hà Nội và tỉnh Ninh Bình là hai địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, là những điểm đến hấp dẫn nhất không chỉ trong nước mà của khu vực và quốc tế, là hành trình không thể thiếu của khách du lịch khi tới miền Bắc (Việt Nam).
Nơi đây hội tụ đầy đủ các loại hình du lịch với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách.
Trong những năm qua, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của các địa phương thông qua các hoạt động cụ thể như phối hợp tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch; đón đoàn famtrip các tỉnh đến khảo sát, phối hợp tổ chức nhiều chương trình như (Một hành trình- 4 điểm đến- Nhiều trải nghiệm; Hội nghị Liên kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng…).
Các hoạt động được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự vào cuộc chủ động, tích cực của doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội.
Kể từ khi hoạt động du lịch được mở cửa trở lại đến nay, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phục hồi và phát triển du lịch với những con số ấn tượng.
Để đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết hợp tác kết nối phát triển thị trường khách du lịch miền Trung - Tây nguyên, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức “Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng Ninh Bình – TP. Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên”.
Thông qua hội nghị, hai địa phương đã quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội, các sự kiện du lịch tiêu biểu, chương trình kích cầu du lịch năm 2024 đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Ninh Bình, TP. Hà Nội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác với doanh nghiệp du lịch các tỉnh Tây Nguyên.
Thông điệp của tỉnh Ninh Bình tại Hội nghị là: “Ninh Bình - Tuyệt sắc miền Cố Đô” và của TP. Hà Nội là “Hà Nội - Đến để yêu”.
Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. |
Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra chương trình Business Matching giữa các doanh nghiệp và tham quan không gian trưng bày ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tập gấp, vật phẩm, sản vật giới thiệu về du lịch các tỉnh, sản phẩm quà tặng du lịch, các đặc sản vùng miền của các địa phương; Trình chiếu Video clip về tiềm năng, sản phẩm du lịch các địa phương; giới thiệu các sự kiện tiêu biểu năm 2024 của các tỉnh; Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các tỉnh (doanh nghiệp từng tỉnh, TP giới thiệu).
Đặc biệt, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực, những ý tưởng sáng tạo cũng như những trăn trở của những người làm du lịch, mong muốn du lịch nói chung và phát triển vùng trong hợp tác du lịch nói riêng phát triển. Đồng thời, các chuyên gia du lịch, các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các doanh nghiệp và điểm đến du lịch đã sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm, góc nhìn thực tế.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác.
Tây Nguyên được biết là một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ, khác lạ. Với vẻ đẹp tự nhiên vốn có, khí hậu tuyệt vời, ẩm thực đặc sắc, giá trị văn hóa gắn với cồng chiêng, người dân nồng hậu, chất phác… Những năm gần đây, du lịch Tây Nguyên đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch ưa thích du lịch sinh thái - văn hóa.
Đặc biệt cảng hàng không Pleiku, Buôn Ma Thuật và hệ thống giao thông kết nối đến các tỉnh Tây Nguyên là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình đến Tây Nguyên ngày một tăng lên. Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa Tây Nguyên với tỉnh Ninh Bình và TP. Hà Nội rất thuận lợi.
“Chính vì vậy, trên cơ sở tiếp thu các nội dung trong báo cáo tham luận và các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu ngày hôm nay, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả. Qua đó, hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết thực sự chất lượng phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế”, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
“Hà Nội – Đến để yêu”
Riêng với TP. Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với vị thế là Thủ đô, là vùng đất có bề dày hơn nghìn năm văn hiến, Hà Nội được xác định là trung tâm phân phối khách du lịch hàng đầu đến các tỉnh phía Bắc và cả nước, cũng như tới các nước trong khu vực.
Trong những năm qua, ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung, giai đoạn 2011-2019 ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng về lượng khách du lịch đến Hà Nội.
Tốc độ tăng trưởng khách hàng năm đạt trên 10%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 17,9%/năm, khách nội địa đạt 8,2%/năm. Hà Nội luôn thể hiện vai trò đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào kết quả của ngành du lịch Việt Nam.
Năm 2019, Hà Nội đón 28,9 triệu lượt khách, tăng 10,1% so năm trước, khách du lịch quốc tế đạt 7,02 triệu lượt (chiếm 39% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam), khách nội địa 21,9 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 103,8 nghìn tỷ, tăng 17,6% (chiếm 14,3% tổng doanh thu du lịch cả nước).
Năm 2022, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch, Hà Nội đã đón được 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách (chiếm 43% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam); tổng thu từ khách du lịch đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so năm 2021 (chiếm 13% tổng doanh thu du lịch cả nước).
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Australia, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Canada...
Ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.