Tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm - Ảnh: Dũng Minh.

Tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm - Ảnh: Dũng Minh.

Hà Nội: Những khu phố “oằn mình” cõng chung cư

(ĐTCK) Số lượng dự án chung cư mọc ra dày đặc, trong khi hạ tầng giao thông, xã hội không theo kịp, dẫn đến nhiều tuyến đường, con phố tại Hà Nội thường xuyên bị ùn tắc.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay, nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Mật độ dân số tăng đột biến ở một số khu vực do nhà cao tầng mọc lên quá dày, khiến chất lượng sống của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điển hình như Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), được quy hoạch là khu đô thị kiểu mẫu với diện tích khoảng 160 ha, trong đó gần 50% là diện tích mặt nước. Dự án khởi công xây dựng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước và được gắn biển là khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cảnh quan kiến trúc của khu đô thị này bị băm nát do quá trình quản lý đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch ban đầu.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện có hơn 12 tòa nhà cao từ 36 đến 41 tầng trong khu đất 5 ha trên bán đảo Linh Đàm với mật độ dân số tăng nhanh. Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ khu đô thị nối ra đường Giải Phóng cả chục năm chưa thể làm xong do vướng giải phóng mặt bằng khiến nơi đây trở thành điểm nóng về ùn tắc giao thông.

Cũng thường nằm trong tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông phải kể đến tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương. Nếu 6 năm trước, khu vực này là niềm mơ ước của không ít người với các tiện nghi sinh hoạt, không gian và mật độ xây dựng thoáng đãng vào bậc nhất Thủ đô, thì hiện nay, riêng tuyến đường Tố Hữu với chiều dài chỉ 2,7 km, nhưng phải cõng tới hơn 40 tòa nhà cao tầng, đường Lê Văn Lương hơn 1 km cũng gánh trên mình hàng chục tòa cao ốc.

Anh Dũng, cư dân Khu đô thị Nam Cường (đường Tố Hữu, quận Hà Đông) cho biết, trước đây, khi gia đình mới chuyển về khu này sinh sống, không gian thoáng đãng, giao thông đi lại thuận tiện. Tuy nhiên hiện nay, các tòa nhà cao tầng đã mọc lên san sát, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày một tăng, nhất là giờ cao điểm.

Hà Nội: Những khu phố “oằn mình” cõng chung cư ảnh 1

Lòng đường phố Triều Khúc chỉ rộng khoảng 4 - 5 m, nên cảnh tắc đường thường xuyên xảy ra và áp lực còn lớn hơn với sự xuất hiện của 2 dự án bất động sản lớn Pandora và Blue Diamond - Ảnh: Nguyễn Thành.

Không dừng lại ở đó, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương vẫn còn khoảng 15 tòa nhà cao tầng đang trong quá trình xây dựng, tương đương với việc tiếp tục sẽ có 40.000 người dân nữa chuyển về đây sinh sống.

Đáng ngại hơn, trên địa bàn Hà Nội hiện nay cũng xuất hiện nhiều dự án chung cư được xây dựng trong các con phố, ngõ phố nhỏ, chật hẹp như địa chỉ 102 Trường Chinh (quận Đống Đa). Đây chỉ là một con ngõ nhỏ với hai xe ôtô tránh nhau đã gây ùn tắc, nhưng có tới 2 tòa chung cư được xây dựng tại đây là Meco Complex (trên diện tích khoảng 22.000 m2, với gần 500 căn hộ, đã đưa vào sử dụng từ năm 2013) và và Capital Garden (bao gồm 21 tầng nổi, 2 tầng trung tâm thương mại và 3 tầng hầm, dân số tương đương khoảng 3.000 người).

Ngoài ra, còn phải để đến phố Triều Khúc với lòng đường chật hẹp, thường ùn tắc do có Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải đóng đô, nay cũng gánh thêm 2 dự án bất động sản lớn là Pandora và Blue Diamond; phố Nguyễn Tuân dù nhỏ, nhưng cũng cõng trên mình nhiều khu đô thị lớn; hay Dự án Hong Kong Tower được xây tại một ngõ trên đường Voi Phục với chiều rộng chỉ vừa 1 xe ô tô đi lọt, xe máy đi ngược chiều phải ép mình nhường đường...

Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên là do sự dễ dãi trong việc cấp phép xây dựng chung cư cao tầng của Hà Nội và nếu không được chấn chỉnh, chắc chắn hiện tượng chung cư trong ngõ nhỏ sẽ tiếp tục bùng phát. Khi đó, cảnh tắc đường, kẹt xe tại nhiều con phố sẽ không thể tránh khỏi.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra “kẽ hở” của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị dẫn tới những hệ lụy như trên. Đó là, quy trình xây dựng quy hoạch lần đầu có rất nhiều cấp cơ quan, nhiều tổ chức, cả xã hội được tham gia rà soát, góp ý theo luật định, nhưng đến lúc điều chỉnh quy hoạch, luật cho phép chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ điều chỉnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan