Theo Savills, trong quý II/2023 đạt 2.14 triệu m2, giảm 2% theo quý và 1% theo năm sau khi một dự án hạng A và hai dự án hạng C ngừng cho thuê để sử dụng nội bộ.
Savills cho hay, việc nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về tài chính đã tác động tới công suất thuê. Trong nửa đầu năm 2023, diện tích cho thuê thêm giảm 33.400m2 so với cùng kỳ, trong đó hạng B có mức giảm nhiều nhất là 26.500m2.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, có hai lý do tác động tới sự sụt giảm về công suất thuê toàn thị trường. Đầu tiên có thể thấy, phân khúc khách thuê trả trên 40 USD/m2 có xu hướng chậm lại hẳn, trong khi đó các hợp đồng với giá thuê khiêm tốn lại được ưa chuộng hơn. Lý do thứ hai là các công ty về mảng công nghệ thông tin, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ, đang tăng trưởng chậm lại sau thời kỳ phát triển nóng. Tại Hà Nội, thậm chí một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đã buộc phải trả lại mặt bằng trước thời hạn.
Thị trường văn phòng cho thuê Thủ đô chứng kiến sự thay đổi lớn về nhu cầu thuê. Giai đoạn 2021 – 2022, các doanh nghiệp về công nghệ thông tin gần như dẫn đầu về nguồn cầu thị trường văn phòng. Tuy nhiên sang tới năm 2023, khi tình hình kinh tế có xu hướng chậm lại, các quỹ cũng dừng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, dẫn đến việc các công ty này bắt đầu cân đối lại diện tích thuê, thậm chí trả lại mặt bằng thuê văn phòng.
“Trong sáu tháng đầu năm 2022, số lượng các giao dịch cho thuê với khách thuê là doanh nghiệp công nghệ thông tin chiếm tới 32%, nhưng đến năm nay, tỷ lệ này chỉ còn một nửa”, bà Minh chia sẻ.
Trong sáu tháng đầu năm, các giao dịch thuê văn phòng đa phần đến từ doanh nghiệp thuộc phân khúc sản xuất, bởi đây là mảng đang không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tình hình kinh tế hiện nay. Đứng thứ hai về nhu cầu thuê là các doanh nghiệp về giáo dục, điển hình là các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy tin học hay các văn phòng của các trường đại học mở tại thị trường Việt Nam.