3 dự án và 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch
Theo báo cáo kết quả giám sát về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TP. Hà Nội của Ban Đô thị (HĐND TP. Hà Nội), nguồn cấp nước tập trung từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Thủ đô đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm, trong đó nguồn nước ngầm khoảng 735.000 m3/ngày đêm tại 16 nhà máy ngầm và 12 trạm sản xuất nước cục bộ; nguồn nước mặt khoảng 795.000 m3/ngày đêm tại 5 nhà máy nước mặt.
Về mạng lưới cấp nước, khu vực đô thị hệ thống mạng lưới cấp nước đã được phủ kín với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu cấp nước khoảng 100-150 l/người/ngày.
Tại khu vực nông thôn, từ năm 2021 đến tháng 6/2023 triển khai 5 dự án và có thêm 27 xã được đầu tư hệ thống đường ống cấp nước.
Về việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, UBND TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư triển khai 29 dự án xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó có 22 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thực hiện và 3 dự án nhà đầu tư chưa thực hiện.
Đến nay, còn 139/413 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Đáng chú ý, có một số dự án còn chậm triển khai hoặc triển khai nhưng không đảm bảo tiến độ. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng, quy mô công suất 300.000 m3/ngày đêm, nhà đầu tư là Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng, tiến độ hoàn thành năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang triển khai xây dựng các hạng mục công trình nhà máy nước và công trình phụ, trạm bơm tại xã Liên Hồng, xã Liên Hà.
Bên cạnh đó, đang tiếp tục công tác đền bù giải phóng mặt bằng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các huyện Đan Phượng, Hoài Đức để triển khai thi công hệ thống tuyến ống nước thô và nước sạch.
Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II (Hợp phần 2) nâng công suất lên 450.000 - 600.000 m3/ngày đêm, nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần nước sạch sông Đà, tiến độ phê duyệt hoàn thành 2009 - 2010, theo kế hoạch hợp phần 1 nâng công suất từ 220.000 m3/ ngày đêm lên 300.000 m3/ ngày đêm, tiến độ hoàn thành năm 2018, hợp phần 2 nâng công suất từ 300.000 m3/ ngày đêm lên 600.000 m3/ ngày đêm, hoàn thành 2019 - 2020. Dự án đang đầu tư tuyến ống truyền tải số 2 dự kiến sẽ hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc về Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ.
Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 200.000 - 250.000 m3/ ngày đêm, nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, tiến độ hoàn thành quý I/2018. Tuy nhiên, dự án đang nghiên cứu, khảo sát lập số liệu, hoàn thiện thủ tục đầu tư và giải pháp kỹ thuật để nâng công suất nhà máy từ 150.000 m3/ ngày đêm hiện nay lên 200.000 m3/ ngày đêm trên cơ sở các hạng mục công trình hiện có.
Nhà máy nước tại Hòa Bình, công suất 200.000 m3/ ngày đêm, tiến độ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị đầu tư để tập trung hoàn thành xây dựng nhà máy với công suất giai đoạn 1 là 100.000 m3/ ngày đêm để bổ sung nguồn nước cho khu vực Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức trong giai đoạn 2024 - 2025.
183.133 hộvới 372.500 dân chưa được cấp nước sạch
Theo Ban Đô thị, nguyên nhân chậm là do các sở ngành còn thiếu quyết liệt trong việc thanh kiểm tra và đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án, bên cạnh đó năng lực chủ đầu tư còn hạn chế.
Ngoài ra, các yếu tố về các thủ tục đầu tư dự án về đấu nối mạng lưới cấp nước và quá trình giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cũng theo báo cáo giám sát, có 4 Dự án phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ phê duyệt; 3 dự án không thực hiện và 139 xã chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch
Cụ thể, Dự án nối mạng, cấp nước 14 xã, thị trấn, huyện Hoài Đức do Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội - Wadaco làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dự án đang xây dựng trạm bơm tăng áp số 1 và 2 và phần ngoài đê chưa triển khai của 3 xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai.
Dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã), tiến độ hoàn thành năm 2020. Tuy nhiên, đến nay tại huyện Đông Anh, Công ty CP nước sạch số 2 Hà Nội đang hoàn thiện mạng cấp nước cho xã Cổ Loa, Thụy Lâm, Bắc Hồng; Đơn vị đầu tư mạng cấp nước cho 2 xã còn lại Liên Hà, Vân Hà; tại huyện Sóc Sơn, 11 xã Công ty CP nước sạch số 2 đang hoàn thiện thủ tục để đầu tư; 7 xã còn lại đang thực hiện lựa chọn đơn vị đầu tư.
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận (UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương từ 2013), tiến độ hoàn thành 2017. Đến nay Nhà đầu tư đã thi công tuyến truyền dẫn cấp nước dọc Quốc lộ 21A đầu nối với nguồn nước sạch sông Đà tủ Hòa Lạc về Xuân Mai và hoàn thành mạng cấp nước cho 8/12 xã thuộc giai đoạn I của dự án, hiện còn 4/12 xã đang được Nhà đầu tư triển khai thi công.
Dự án cấp nước cho 8 xã của huyện Đan Phượng theo Quyết định số 5978/QĐ-UBND ngày 7/11/2019 do Công ty nước sạch Tây Hà Nội làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành năm 2020. Đến nay nhà đầu tư đang xây dựng kế hoạch đầu tư cùng với tiến độ đầu tư Nhà máy nước mặt sông Hồng, hiện Nhà đầu tư đang xin gia hạn thời gian thực hiện dự án do vướng mắc thủ tục phê duyệt tổng mặt trạm tăng áp xã Yên Sở và chưa cho nguồn nước cấp cho Dự án.
Như vậy, theo báo cáo có 3 dự án chủ đầu tư không thực hiện là, Dự án đầu tư phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín (26 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã), Thanh Oai (17 xã), tiến độ hoàn thành năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở và Hồ sơ dự án hiện đang trình thẩm định tại Cục hạ tầng Bộ Xây dựng, hiện nay các đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư.
Và 2 dự án xây dựng công trình cấp nước sạch liên xã Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc, huyện Phúc Thọ; Dự án xây dựng nhà máy nước sạch Long Xuyên, Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ.
Hiện còn 139/413 xã (tổng số hộ 183.133 với 372.500 dân) chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung...
Qua báo cáo của các đơn vị và giám sát cho thấy, nguyên nhân chậm chủ yếu là do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt;
Một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, vốn, công nghệ, mặc dù Thành phố đã có cơ chế tạo điều kiện để các chủ đầu tư được vay vốn từ Quỹ đầu tư song việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn.
Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền cơ sở của một số dự án còn chưa tốt, chưa kịp thời.
Đặc biệt, một số dự án chậm là do chủ đầu tư tính toán đến hiệu quả dự án nên chưa quyết liệt thực hiện, đồng thời còn chờ tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư phát triển nguồn cấp nước tập trung.