Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng. (Ảnh: Nguyễn Anh Tùng)
Xác định các khu vực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn
Ngày 16/9, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú du lịch - kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022” cho gần 300 cán bộ công chức lãnh đạo quản lý cấp quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, xã trên địa bàn Thủ đô.
Chương trình tập huấn sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nói riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chia sẻ về nội dung “Quản lý cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội” tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, các loại cơ sở lưu trú du lịch hiện nay gồm: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch, các cơ sở lưu trú khác.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%.
Hà Nội cũng xác định các khu vực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn. Theo Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú như sau: Không phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng, ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch (nếu điều kiện cho phép),
Cụ thể, khu vực Hoàn Kiếm bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân cư để khai thác các công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp.
Khu vực quận Tây Hồ và Ba Đình tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn.
Khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn tại các khu vực định hướng phát triển hệ thống công trình công cộng hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở...
Khu vực huyện Đông Anh gắn với định hướng của đô thị Đông Anh và Trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng, tập trung phát triển loại hình lưu trú cao cấp, quy mô lớn.
Khu vực Sơn Tây - Ba Vì tập trung phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ các khu nghỉ dưỡng đến khách sạn, homestay... phù hợp định hướng thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư các khu, điểm du lịch mới đầu tư xây dựng. Chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Sơn Tây - Ba Vì.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý linh hoạt, khoa học hệ thống cơ sở lưu trú theo phân cấp quản lý. (Ảnh: Nguyễn Anh Tùng) |
Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó, có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch.
Cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch bao gồm cơ sở mua sắm là 31 cơ sở, 23 nhà hàng, 8 khu vui chơi giải trí, 1 khu thể thao.
Cũng theo ông Trần Trung Hiếu, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch.
Hà Nội định hướng không phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng, ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên. |
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch; Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ; thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công bằng, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm, tiêu cực, gây khó khăn hoặc bao che cho đơn vị không thực hiện đúng quy định.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý linh hoạt, khoa học hệ thống cơ sở lưu trú theo phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nâng cao ý thức ứng xử văn minh trong du lịch.
“Việc quản lý tốt còn góp phần phân bổ mạng lưới cơ sở lưu trú đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, cân bằng sự phát triển giữa các vùng; tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn chống các tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành du lịch Thủ đô; tăng cường công tác phối hợp liên ngành…