Chính vì thế, các cơ quan quan trắc khí tượng đã đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11h-15h hàng ngày. Thế nhưng, những chiếc xe của chúng ta dù muốn hay không cũng sẽ đều phải phơi nắng ngoài trời trong điều kiện nắng nóng bức này.
Và chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm đo nhiệt độ tại khu vực Hà Nội trong ngày 3/6/2017 vào khoảng thời gian từ 11h-12h để xác định mức nhiệt thật sự trên các phương tiện của người dân đỗ dưới nắng trực tiếp.
Nhiệt độ ngoài trời tại khu vực Long Biên - Hà Nội khoảng 41 độ C vào lúc 11h30 ngày 3/6/2017.
Trong khi đó, nhiệt độ tại mặt đường Nguyễn Văn Cừ lại vọt lên tới 56,3 độ C.
Bên trong một chiếc xe ô tô đỗ ngoài nắng 60p có nhiệt độ khoảng 53,8 độ C, còn nhiệt độ trên các bề mặt trong xe cũng xấp xỉ 60 độ C.
Riêng yên xe máy đỗ dưới nắng trực tiếp trong buổi trưa ngày 3/6/2017 thì nhiệt độ tăng vọt lên tới mức 70,2 độ C.
Qua trải nghiệm nhanh cùng nhiệt kế điện tử, có thể dễ dàng nhận thấy rằng dù trung tâm khí tượng thuỷ văn dự báo mức nhiệt tại Hà Nội trong ngày 3/6/2017 sẽ chỉ giao động trong khoảng 28-39 độ nhưng thực tế dưới ánh nắng trực tiếp thì mức nhiệt độ sẽ cao hơn rất nhiều.
Lời khuyên dành cho các lái xe sử dụng xe máy là nên đỗ xe dưới bóng râm để giảm thiểu tác động của nhiệt dưới ánh nắng mặt trời hoặc nếu đã đỗ xe dưới nắng thì nên sử dụng khăn, vải, báo giấy để che phần yên lại. Trong trường hợp yên xe quá nóng thì có thể sử dụng khăn ướt hoặc nước để lau yên xe trước khi sử dụng.
Còn đối với các lái xe sử dụng ô tô, dù đỗ dưới bóng râm thì do hiệu ứng nhà kính mà không khí bên trong xe luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài nên trước khi di chuyển, các lái xe có thể mở hết 4 cửa xe để không khí trao đổi giữa trong và ngoài xe giúp giảm nhiệt bên trong xe. Bên cạnh đó cũng đừng quên nổ máy, bật điều hoà để làm giảm nhiệt cho các chi tiết trong xe như nhựa ốp táp lô, ghế da và cả vô-lăng.