Tổ chức 9 hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Năm 2019, du lịch Hà Nội đạt xấp xỉ 29 triệu khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Hà Nội liên tiếp giành nhiều giải thưởng du lịch quốc tế, lọt trong tốp 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch chịu nhiều thiệt hại, lượng khách giảm sâu”.
10 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội đạt 7,27 triệu lượt, giảm 68,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,05 triệu lượt (gồm 773.300 lượt có lưu trú và 282.000 lượt trong ngày), giảm 79,3% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt 6,22 triệu lượt (gồm 1,79 triệu lượt khách lưu trú và 4,42 triệu lượt trong ngày), giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.920 nghìn tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước (giảm 56.110 tỷ đồng).
Tình hình hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch lưu trú du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tháng 10, lượng khách du lịch đến Hà Nội có tăng nhưng không nhiều, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 28,6%, tăng 13,3% so với tháng 9 và giảm 38,6 % so với cùng kỳ 2019. 10 tháng năm 2020, công suất trung bình khối khách sạn đạt khoảng 28,2%, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2019.
“Cùng với sự sụt giảm lượng khách quốc tế và nội địa nghiêm trọng, Covid-19 còn kéo theo xu hướng du lịch thay đổi. Điều đó buộc đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch phải đổi mới phương thức, tác phong làm việc, cách thức quản lý hoạt động của ngành kinh tế xanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, các nghệ nhân, người làm dịch vụ phục vụ khách quốc tế tại các địa phương cũng phải đổi mới, nâng cao kỹ năng, trình độ để thu hút cũng như hấp dẫn du khách lưu trú lâu, chi nhiều tiền”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Chính bởi thế, trong tháng 10 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 56 cán bộ, viên chức quản lý du lịch thành phố Hà Nội năm 2020 theo đề án 2315 của Thành phố.
Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Gia Lâm tổ chức 6 hội nghị tập huấn, triển khai về ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư của các xã Cần Kiệm, Thạch Xá, Sài Sơn, Phù Đổng nhằm nâng cao nhận thức về du lịch, về lợi ích du lịch đem lại và các kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho hơn 720 người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ, các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
Đặc biệt, ngày 28/10, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho 100 công chức thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường thêm kỹ năng, kiến thức trong công tác quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch của Sở và các quận, huyện, thị xã.
Covid-19kéo theo xu hướng du lịch thay đổi, buộc đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch phải đổi mới phương thức, tác phong làm việc. |
Kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho người làm du lịch Thủ đô
Với 3 nội dung: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch thông minh; xây dựng kết nối sản phẩm du lịch để phát triển du lịch sau khi hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19; phổ biến văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra du lịch, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xác minh và giải quyết phản ánh, kiến nghị trong lĩnh vực du lịch; hội nghị Tập huấn công tác quản lý nhà nước về du lịch đã mang đến những kiến thức, kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch của Sở và các quận, huyện, thị xã.
Tham gia hội nghị, Giám đốc Trung tâm du lịch (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh đã cập nhật thông tin về xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch cũng như những ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch đang thịnh hành trên thế giới, từ đó đưa ra những thuận lợi, hạn chế trong việc áp dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
“Khoảng 7 năm gần đây, nền tảng số du lịch thông minh giúp chúng ta kết nối, giao tiếp, quảng bá nhiều chiều với thế giới và kinh doanh du lịch trên nền tảng trực tuyến ngày càng phát triển”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh và chia sẻ: “Để tận dụng lợi thế của du lịch thông minh, Thái Lan đã thành lập Cơ quan Du lịch Thái Lan. Cơ quan này có nhiệm vụ tổng hợp, tích hợp tất cả dữ liệu và phân tích hành vi của du khách, sau đó chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, các doanh nghiệp để cùng hoạch định chính sách”.
Trong khi đó Singapore có một cơ quan ghi lại đầy đủ quá trình của khách du lịch từ khi họ biết tới điểm đến cho đến lúc họ tìm kiếm thông tin trải nghiệm. Với từng hành vi của du khách, họ đều suy nghĩ xem làm gì để hỗ trợ du khách một cách tốt nhất.
“Chúng ta cần học tập cách tiếp cận ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ cho từng hành vi của du khách, hỗ trợ du khách xây dựng kế hoạch để khi đến các điểm tham quan, lưu trú không phải chờ đợi và hoàn toàn hài lòng với tất cả những trải nghiệm tại điểm đến. Đồng thời, tiếp tục giữ kết nối, tiếp tục cung cấp cho du khách những thông tin đầy đủ, hấp dẫn ngay cả khi họ đã trở về, khiến du khách muốn quay trở lại khám phá”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về nội dung hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Cao Thái cho biết, hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch vẫn còn tồn tại một số bất cập, nhất là trong việc làm hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh. Các đơn vị quản lý du lịch cần tăng cường quản lý hoạt động lữ hành, lưu trú, trong đó có quản lý giá, chất lượng dịch vụ, giấy phép hoạt động... Đối với những đơn vị vi phạm, bên cạnh xử phạt hành chính, cơ quan quản lý cần có hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép hoạt động có thời hạn...
TS. Nguyễn Thu Thủy trao đổi với các đại biểu, học viên tại huyện Thạch Thất về phương thức làm du lịch cộng đồng, ngày 30/10. |
Gần đây nhất, ngày 30/10, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư tại xã Yên Bình và xã Tiến Xuân.
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trao đổi với các đại biểu về phương thức làm du lịch cộng đồng, thông qua các video, các đoạn phim giới thiệu về một số điểm du lịch trong nước và nước ngoài; những câu chuyện của người dân địa phương hấp dẫn đối với khách du lịch.
TS. Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, muốn lưu giữ được du khách ở lại lâu hơn, chúng ta cần có các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, những trải nghiệm thú vị cho khách được tham gia thực tế. Du khách, đặc biệt khách nước ngoài rất thích được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thăm các di tích đình chùa cổ.
“Có những cái rất quen thuộc với chúng ta nhưng lại là cái lạ đối với du khách, quan trọng là cần tìm ra điểm thú vị để du khách được trải nghiệm trong những hoạt động quen thuộc ấy. 4 đặc điểm của du lịch là tính vô hình, không đồng nhất, sản xuất và tiêu dùng đồng thời và dễ hỏng; khắc phục được 4 điểm này, thì chúng ta sẽ bán được nhiều hàng hơn, phục vụ du khách hiệu quả hơn”, TS. Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng điểm đến du lịch Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Du lịch Hà Nội từ nay đến cuối năm là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cộng đồng, người làm dịch vụ phục vụ du khách tại các địa phương trên địa bàn thành phố.