Theo đó, 5 điểm ùn tắc triển khai thí điểm trước gồm nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh thuộc địa bàn quận Đống Đa. Nút giao này có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Đối với nút này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, đồng thời tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông.
Đối với điểm Nguyễn Khang - cầu 361 quận Cầu Giấy, Sở Giao thông vận tải cho biết, lưu lượng giao thông trên các nhánh đều rất cao, mặt cắt ngang của đường Láng tại các vị trí cầu hẹp, gây xung đột giao thông sẽ được tổ chức lại bằng đèn tín hiệu hai đầu cầu phía đường Láng và đường Nguyễn Khang. Cùng đó, Sở này sẽ nghiên cứu điều chỉnh để tối ưu nút đèn, rà soát tổ chức tổng thể trên tuyến đường Láng.
Điểm ùn tắc trên cầu Mọc thuộc quận Thanh Xuân có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên gây xung đột và ùn tắc cũng được Hà Nội nghiên cứu tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu.
Đáng lưu ý, điểm phía Bắc cầu Chương Dương thuộc quận Long Biên có lưu lượng giao thông rất lớn, Hà Nội sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực đền Ghềnh - đê Bát Tràng. Đồng thời, tận dụng hệ thống đường 40m giao với đường Nguyễn Văn Cừ nhằm giảm xung đột khu vực nút giao.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu điều tiết, phân luồng các phương tiện giao thông qua cầu và phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thực hiện dự án cải tạo nút giao phía Bắc cầu Chương Dương.
Cuối cùng, điểm ùn tắc ở đầu các ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng thuộc quận Đống Đa cũng sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông, đồng thời tăng cường thêm lực lượng phân luồng giao thông để kéo giảm ùn tắc.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các điểm ùn tắc trên để đánh giá và có biện pháp xử lý dứt điểm ùn tắc, giúp người dân và phương tiện di chuyển thuận lợi hơn", ông Viện khẳng định.